Kênh đào Suez tăng gấp đôi lưu lượng để giải phóng ùn tắc
Sau khi thành công 'giải cứu' tàu Ever Given, tuyến đường thủy chủ chốt đã tăng gấp đôi lượng tàu thuyền qua lại để giải phóng lượng lớn phương tiện mắc kẹt hai bên bờ.
Theo Nikkei Asia Review, hôm qua, ban quản lý kênh đào Suez đã cho phép tăng gấp đôi lượng tàu di chuyển qua tuyến đường thủy dài 120 dặm để nhanh chóng giải phóng hàng trăm tàu thuyền mắc kẹt bởi vụ tàu container Ever Given khổng lồ bị mắc kẹt gần một tuần ở đây.
Tàu Ever Given dài 400 m, nặng 220.000 tấn và là một trong những con tàu lớn nhất thế giới đã mắc kẹt tại kênh đào Suez vào tuần trước. Bởi sự cố này, hơn 400 tàu thuyền vận chuyển hàng hóa phải kẹt lại hai bên bờ, gây ách tắc nghiêm trọng và thiệt hại lớn cho chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez, cho biết 422 tàu trong vụ kẹt đường chở đủ loại hàng hóa từ gia súc đến dầu thô. Lượng tàu khổng lồ này dự kiến được thông quan trong vòng 3,5 ngày.
Trong một cuộc họp báo hôm qua, Rabie tiết lộ đã có 113 tàu thành công vượt qua kênh đào Suez và dự kiến sẽ có thêm 95 chiếc khác nữa di chuyển qua kênh đào vào buổi tối. Theo A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch), công ty vận chuyển container hàng đầu thế giới, mỗi ngày trung bình có khoảng từ 50-85 tàu đi qua kênh này.
Ông Rabie cam kết ban quản lý sẽ nỗ lực ngày đêm để giải quyết nút thắt cổ chai ở kênh Suez. Tuy nhiên, hãng vận chuyển container lớn thứ hai thế giới MSC (Thụy Sĩ), ước tính công việc giải nút thắt ách tắc giao thông có thể mất khoảng 10 ngày hoặc hơn.
Công ty cũng dự đoán nhu cầu hàng hóa tăng mạnh sau khi Suez khai thông sẽ dẫn đến tình trạng đông đúc tại các cảng tàu trên toàn thế giới. Các tàu có thể không duy trì lịch trình cập cảng như bình thường, dẫn đến khả năng tăng giá cước vận chuyển hàng hóa kéo dài đến hết tháng 5.
Sự cố Ever Given dấy lên lo ngại về sự lệ thuộc quá mức của ngành vận chuyển hậu cầu vào kênh đào Suez. Suez là tuyến đường quan trọng lưu thông hàng hóa và dầu thô từ châu Á đến châu Âu. Tuy vậy, vị thế đắc địa của kênh đào Suez vẫn khiến nơi đây nắm giữ vai trò trọng yếu trong ngành vận chuyển. Tuyến đường này giúp hàng hóa lưu thông một cách nhanh chóng, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ hàng.
Ước tính, các con tàu chỉ mất khoảng 23 ngày để vận chuyển hàng hóa từ Tokyo hoặc Yokohama đến Rotterdam thông qua tuyến đường này. Trong khi đó, hành trình đi vòng quanh Mũi Hảo vọng của Nam Phi mất khoảng 30 ngày, tức kéo dài thêm 7 ngày vận chuyển.
Dù hai tuyến đường có giá ngang nhau, nhưng việc rút ngắn thời gian mang lại lợi thế rất lớn cho kênh đào Suez. Nguồn tin tiết lộ tàu container Ever Given trả khoảng 700.000 USD phí để đi qua kênh Suez. Trong khi đó, chi phí vận hành một con tàu, bao gồm phí thuê tàu và chi phí nhiên liệu, mất khoảng 100.000 USD/ngày.
Sau khi được giải phóng, tàu Ever Given đang tạm thả neo tại Hồ Lớn Bitter, một vùng nước chia kênh Suez thành hai đoạn để kiểm tra sơ bộ thân tàu và thiết bị trên tàu. Tàu Ever Given chất khoảng 18.000 container và là một trong những tàu container lớn nhất thế giới.
Trả lời Nikkei, một giám đốc điều hành Shoei Kisen - chủ con tàu - cho biết: “Nếu phải sửa chữa thì có thể vấn đề chỉ giới hạn ở đáy tàu. Không cần thiết giảm tải các container chứa hàng ở trên".
Nếu không có vấn đề nghiêm trọng, tàu Ever Given sẽ được Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho phép tiếp tục khởi hành. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết con tàu khổng lồ sẽ phải chuyển hướng qua một con kênh 300 m cho đến khi chạm cửa ngõ Biển Địa Trung Hải.