Kênh đầu tư an toàn
Gửi tiết kiệm được xem là kênh đầu tư có tính đại chúng cao, bởi dễ thực hiện, lãi suất ổn định và quan trọng nhất là an toàn. Vậy nên từ quý II năm 2023 đến nay, mặc dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu, nhưng dòng tiền gửi này không 'chạy' sang các kênh đầu tư sinh lời khác, mà vẫn tiếp tục 'chảy' vào ngân hàng.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 1,5-2,5%/năm. Tuy nhiên, rất nhiều các nhà đầu tư vẫn lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng thay vì chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác như cổ phiếu, bất động sản, dù lãi cao nhưng cũng tiềm ẩn các nguy cơi rủi ro cao. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh huy động vốn được gần 89 nghìn tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm nay, số tiền gửi huy động đã đạt gần 92 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là nguồn vốn huy động có mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm trở lại đây.
Mặc dù lãi suất huy động tiếp tục giảm, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chi nhánh Phú Thọ đã huy động được gần 4.000 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho biết: “Theo quan điểm chỉ đạo, chúng tôi không tăng trưởng ồ ạt sẽ dẫn đến nợ xấu. Do vậy, trong suốt những tháng cuối năm 2023 đến nay, nhằm thực hiện mục tiêu giảm lãi suất huy động đầu vào để giảm lãi suất cho vay, Nam A Bank thực hiện mức lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng được duy trì dưới mức 4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dưới mức 5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng đều duy trì ở mức thấp".
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Nam A Bank Phú Thọ vẫn phát triển dư nợ với mức tăng trưởng 7,9% so với đầu năm, trong đó doanh số giải ngân đạt 157 tỷ đồng. Trong cơ cấu dư nợ thì cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm gần 5%, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 20% và cho vay mục đích tiêu dùng chiếm 39% (trong đó tiêu dùng cho mục đích xây, sửa nhà ở chiếm 21%). Đến nay dư nợ đạt 341 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với đầu năm.
Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm sâu, nhưng các nhà đầu tư vẫn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong các kênh đầu tư tiền nhàn rỗi vì đơn giản và an toàn nhất, dù không sinh lời bằng các kênh đầu tư khác. Nhất là khi thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro lớn. Hơn nữa, việc duy trì mức nền lãi suất huy động thấp cũng tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay để thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế. Vì thế, dòng tiền vẫn “đổ về” ngân hàng.
Theo các chuyên gia tài chính nhận định, năm 2024 bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Giá bất động sản khó có khả năng tăng trở lại như thời gian trước. Trong khi đó, chứng khoán vẫn chưa xác định được xu hướng tăng rõ ràng; trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm lại thị trường; vàng cũng không phải là kênh trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu còn nhiều biến động khó lường. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dư thừa trong khi nhu cầu tín dụng còn thấp. Theo đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại, có thể là trong nửa sau của năm 2024.
Theo đồng chí Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ, NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ bám sát Nghị quyết của Chính phủ, NHNN Việt Nam, của tỉnh để tham mưu và định hướng chỉ đạo, quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn hệ thống; tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến tình hình KT-XH của tỉnh; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kenh-dau-tu-an-toan-211655.htm