Kênh mương dẫn nước lại... thiếu nước

Trạm bơm Long Sơn và tuyến kênh mương dẫn nước ở thôn Long Khánh (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư tiền tỷ để phục vụ nước tưới hoa màu cho người dân. Tuy nhiên công trình có những đoạn lại thấp hơn ruộng, người dân không thể lấy nước để sản xuất.

Đoạn kênh dẫn nước thấp hơn ruộng của người dânẢnh: Nghĩa Sơn

Đoạn kênh dẫn nước thấp hơn ruộng của người dânẢnh: Nghĩa Sơn

Thiếu nước, người dân khó canh tác

“Thiết kế lạ đời” - đó là cách nói của nhiều người dân nơi đây, vì theo họ có những đoạn kênh mương lại thấp hơn ruộng đồng, bà con không thể lấy nước vào ruộng, hay muốn lấy thì phải dùng máy bơm.

Bà Huỳnh Thị Thủy ở thôn Long Khánh cho biết: “Thật sự đáng buồn khi kênh mương và trạm bơm hoàn thành đưa vào vận hành thì không như mong đợi, nhiều diện tích hoa màu vẫn không có nước để phục vụ sản xuất. Ai đời xây dựng kiểu chi mà nhiều đoạn kênh mương họ đào sâu hơn mặt bằng ruộng lúa, nghĩa là nước ở dưới, ruộng ở trên cao thì làm sao lấy nước vào ruộng được để sản xuất. Thế là dù có kênh mương bà con cũng phải dùng máy bơm để hút nước vào ruộng”.

Cánh đồng Rộc là nơi sản xuất lúa của nhiều hộ dân thôn Long Khánh, tuy nhiên mỗi khi vào mùa nắng nóng cánh đồng này khô hạn, thiếu nước tưới đành bỏ hoang. Do thiếu nước tưới nên người dân thôn Long Khánh chỉ có thể sản xuất một vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu bỏ không dẫn đến năng suất thu hoạch lúa và nông sản cả năm của người dân thấp.

Ông Thái Viết Tranh ở thôn Long Khánh cho hay: Năm 2019, người dân trong thôn được lãnh đạo xã Tam Đại thông báo xây dựng Trạm bơm Long Sơn và tuyến kênh mương dẫn nước để phục vụ nước tưới hoa màu nên bà con rất vui mừng. Do đó, khi tuyến kênh mương và trạm bơm đi qua trúng diện tích đất của bà con thì nhiều người đã tự nguyện hiến đất với mong muốn có nước để phục sản xuất, nhưng công trình hoàn thành đưa vào hoạt động thì không hiệu quả.

Nhiều người dân trong thôn còn cho rằng, lượng nước chảy về kênh mương ít không đủ cấp tưới nước cho cả 100 ha đất lúa, đất hoa màu của bà con. Vì vậy, mỗi năm bà con chỉ sản xuất được một vụ Đông Xuân, còn nhiều diện tích hoa màu đành bỏ không hoặc phục thuộc vào nước mưa của trời. Người dân nơi đây mong muốn các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, khắc phục sự cố hay làm thế nào đó để vận hành công trình này hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu nước tưới hoa màu.

Ông Tranh kể thêm, đời sống bà con thôn Long Khánh không những gặp khó khăn về thiếu nước tưới hoa màu mà còn thiếu nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Do khu vực này nằm ở đồi núi cao, vào mùa nắng nóng thì khô cạn nước. Vì vậy nhiều hộ dân không thể canh tác hoa màu nên họ phải đi tìm các ngành nghề khác để mưu sinh, trong đó có cả việc kiếm củi khô ở lòng hồ Phú Ninh, thường xuyên đối mặt hiểm nguy.

Người dân lo lắng khi trạm bơm ngừng hoạt động.Ảnh: Nghĩa Sơn.

Người dân lo lắng khi trạm bơm ngừng hoạt động.Ảnh: Nghĩa Sơn.

Vì sao không bàn giao công trình?

Ông Thái Hữu Triệu - Trưởng thôn Long Khánh cho biết: Đối với thôn Long Khánh, Trạm bơm Long Sơn đưa vào hoạt động đã cung cấp nước tưới cho khoảng 5 ha hoa màu của người dân mà chủ yếu là phục vụ vụ đông xuân, hiện còn lại hơn 5 ha hoa màu không có nước tưới nên người dân trông chờ vào nước trời mưa. Chúng tôi mong muốn trạm bơm này khắc phục mọi sự cố, hoạt động hiệu quả để đáp ứng nguồn nước tưới cho diện tích lúa, cây ăn quả của bà con để người dân ổn định cuộc sống.

Hiện nay trạm bơm Long Sơn đang ngừng hoạt động, mực nước dưới hồ trạm bơm gần cạn nước. Cạnh đó, dọc tuyến kênh mương dẫn nước từ trạm bơm tới diện tích hoa màu của người dân khô cạn, nhiều đoạn kênh mương thấp hơn ruộng lúa nên người dân không thể lấy nước vào được nên đành bỏ ruộng hoang.

Theo ông Nguyễn Quốc Phượng - Chủ tịch UBND xã Tam Đại, Trạm bơm Long Sơn được khởi công xây dựng từ năm 2019, tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án - Quỹ đất huyện Phú Ninh (BQLDA huyện Phú Ninh) vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương, quản lý và đưa vào vận hành để phục vụ nước tưới cho hơn 100 ha đất hoa màu của khoảng 200 hộ dân ở địa phương trong đó có thôn Long Khánh. Thế nhưng, cho dù có kênh mương nội đồng khu vực này vẫn có hàng chục ha đất không có nước tưới nên chủ yếu dựa vào mưa để canh tác hoa màu.

Ông Phượng nói thêm, trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã, ở huyện, người dân đã kiến nghị nhiều lần về sự bất cập và tính không hiệu quả của dự án. Chính quyền xã Tam Đại cũng đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện về vấn đề này. Tuy nhiên đến giờ chủ đầu tư dự án vẫn chưa nghiệm thu bàn giao công trình cho địa phương quản lý, vận hành, chỉ đưa vào vận hành thử nghiệm mà thôi.

“Do trạm bơm này chậm đưa vào hoạt động dẫn đến nhiều hộ dân canh tác hoa màu khó khăn về nước tưới nên chính quyền xã phải lên phương án chuyển đổi cây trồng hoặc chuyển đổi ngành nghề để giúp nhân dân có nguồn thu nhập” - ông Phượng nói.

Trong khi đó, theo ông Dương Thanh Chung - Phó Giám đốc BQLDA huyện Phú Ninh: Trạm bơm Long Sơn và tuyến kênh mương dẫn nước ở thôn Long Khánh có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện Phú Ninh, thời gian triển khai từ năm 2019 đến năm 2020. Trạm bơm Long Sơn và hệ thống kênh mương dẫn nước sẽ lấy nước từ Trạm bơm Đại An bơm từ kênh chính Phú Ninh lên sau đó cung cấp nước cho các cánh đồng Gò Bút, đồng Rộc, với tổng diện tích khoảng 60 ha hoa màu của bà con thôn Long Khánh.

Theo ông Chung, riêng tuyến kênh mương dẫn nước từ Trạm bơm Long Sơn đến các diện tích hoa màu của người dân thôn Long Khánh có tổng chiều dài 1,5km, tuy nhiên có một số đoạn kênh mương lại thấp hơn các đám ruộng, là do địa hình khu vực này khá cao. Nếu mà xây dựng theo như ý nguyện một số bà con thì làm thay đổi thiết kế, đẩy nguồn vốn đầu tư công trình này tăng cao. Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị khuyến cáo người dân dùng máy bơm để hút nước chảy vào các sào ruộng để canh tác hoa màu.

Nghĩa Sơn-Chi Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kenh-muong-dan-nuoc-lai-thieu-nuoc-10268884.html