Kênh phân phối đa tiện ích

Nhanh chóng chuyển mình trước xu hướng tiêu dùng hiện đại, các trung tâm thương mại đang cho thấy ưu thế vượt trội trong hệ thống bán lẻ. Không chỉ là địa điểm mua sắm thông thường, trung tâm thương mại đã trở thành kênh phân phối đa tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Khách tham quan, mua sắm tại trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Sinh sống tại phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, tuần nào gia đình anh Nguyễn Đình Thắng cũng cùng nhau tới một trung tâm thương mại gần nhà. “Vợ tôi và con gái lớn mua sắm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, tôi và con nhỏ tham gia các trò chơi. Hoặc có khi cả nhà đi xem phim rồi thưởng thức ẩm thực. Vậy là ai cũng được đáp ứng nhu cầu”, anh Thắng chia sẻ. Còn chị Phạm Tú Minh (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) thì mỗi cuối tuần đều đưa con đến học tiếng Anh tại trung tâm tiếng Anh trong một trung tâm thương mại. Trong lúc chờ con học chị tranh thủ mua sắm quần áo, thực phẩm cho gia đình. Bằng cách đó, chị Tú Minh có thể mua được hàng hóa, thực phẩm có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng với dịch vụ thanh toán thuận tiện và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Ghi nhận thực tế tại các trung tâm thương mại như Vincom, Aeon Mall, Lotte, Savico Megamall, Big C… cũng luôn thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng, nhất là vào các ngày cuối tuần. Hệ thống bán lẻ phát triển đa dạng, trong đó mô hình trung tâm thương mại, đại siêu thị đang cho thấy nhiều ưu thế do đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng như phát triển theo hướng tăng tính trải nghiệm, hình thức - không gian mua sắm mới lạ, sáng tạo, khai thác đặc thù của từng phân khúc thị trường... Cùng với đó, hiện nhiều cư dân đô thị không còn quan niệm đi chợ chỉ để mua sắm thực phẩm mà trở thành dịp để gia đình sum họp vui chơi, giải trí.

Trong cuộc đua thu hút người tiêu dùng, thời gian qua các nhà bán lẻ liên tục tái cấu trúc, mở rộng hệ thống trung tâm thương mại bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Cụ thể như Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư trung tâm thương mại trị giá gần 160 triệu USD tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), ngoài 6 trung tâm thương mại hiện có tại Việt Nam. Chia sẻ về mục tiêu phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025, ông Nagatsuma Hiroyuki, phụ trách truyền thông Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hướng tới hiện thực hóa mô hình trung tâm thương mại hạnh phúc bằng việc cung cấp địa điểm để mọi người gặp gỡ, cùng bắt đầu những sở thích như thể thao hay âm nhạc. Chúng tôi cũng thúc đẩy thực hiện trung tâm thương mại thông minh, cung cấp sự thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm thông qua lắp đặt màn hình cảm ứng tra cứu thông tin hay trạm sạc pin cho xe máy, ô tô điện…”.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Công ty cổ phần Vincom Retail đã khai trương trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Ocean Park tại huyện Gia Lâm. Đây là địa điểm tích hợp nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, nội thất cùng các không gian ẩm thực trong nước và quốc tế… đem đến những trải nghiệm mua sắm, giải trí đa dạng. Hiện nay, Vincom Retail đã sở hữu 1,6 triệu mét vuông diện tích mặt sàn bán lẻ, vận hành 80 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trung tâm thương mại tại Hà Nội.

Cùng với lộ trình đổi tên đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam sẽ cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn không gian mua sắm. Việc chuyển đổi đại siêu thị GO nhằm mang lại hình ảnh trẻ trung, hiện đại giúp tái định vị Big C.

Trong định hướng xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giao thương và kinh tế của cả nước cùng khu vực Đông Nam Á, đa dạng loại hình phân phối, với điểm nhấn là các trung tâm thương mại lớn, thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các phương thức thương mại hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đô thị văn minh. Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Thành phố Hà Nội dành quỹ đất hợp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp các dự án hạ tầng thương mại đang hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án liên quan đến lĩnh vực này”.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/994103/kenh-phan-phoi-da-tien-ich