'Kênh' thoát nghèo của đoàn viên
Những năm qua, Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn) đã giúp nhiều đoàn viên Công đoàn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; là điểm tựa vững chắc, tạo động lực cho đoàn viên, người lao động nghèo.
Giúp đoàn viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống
Thời gian qua, được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn, nhiều đoàn viên, CNVCLĐ đã sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình, trong đó có một số mô hình vay vốn sản xuất đạt hiệu quả cao. Điển hình là trường hợp chị Lê Thị Xuân Phương - giáo viên Trường Mầm non Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ).
Lương giáo viên mầm non không cao, chồng ở nhà không có việc làm ổn định, lại nuôi bố mẹ già và hai con nhỏ, trước đây, kinh tế gia đình chị Phương luôn chật vật, bấp bênh. Sẵn có đất vườn của gia đình, chị Phương quyết tâm quy hoạch, đầu tư làm trang trại với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi vay mượn của người thân, bạn bè được chút vốn để xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại cũng là lúc chị Phương “cạn vốn” để mua con giống.
May mắn cho chị Phương khi thông qua Công đoàn Trường Mầm non Sen Chiểu và từ hướng dẫn của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phúc Thọ, chị đã được Quỹ Trợ vốn cho vay 30 triệu đồng. Nguồn vốn không lớn nhưng là sự hỗ trợ rất kịp thời giúp chị mua được gà giống, lợn giống về phát triển kinh tế trang trại. Nhờ sử dụng đồng vốn hiệu quả, hiện trang trại của gia đình chị Phương ngày càng được mở rộng quy mô. Trong đó, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi cá mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm (sau khi trừ chi phí) cho gia đình.
“Nguồn vốn của Công đoàn thật sự có ý nghĩa với những đoàn viên khó khăn như tôi. Nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn giúp tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống”, chị Phương bày tỏ.
Tương tự, anh Nguyễn Công Phúc (sinh năm 1979) là đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang (huyện Hoài Đức). Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Phúc tương đối khó khăn khi mọi chi tiêu sinh hoạt của 4 nhân khẩu trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền phụ cấp xã đội phó (hơn 4 triệu đồng/tháng) của anh và tiền lương công nhân ít ỏi của vợ. Ngoài công việc chính, anh Phúc cũng phải kiếm thêm nhiều nghề để xoay sở cuộc sống.
Để cải thiện đời sống gia đình, anh Phúc suy nghĩ đến việc sẽ trồng cây ăn quả, chăn nuôi, gia tăng sản xuất từ những diện tích bỏ hoang quanh nhà. Tuy nhiên, thời điểm ấy, tiền lương của hai vợ chồng anh chỉ đủ nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống, chưa có nhiều tiền dư để bắt đầu làm vốn. Đầu năm 2018, khi biết đến nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn qua Công đoàn xã Đức Giang, anh Phúc mạnh dạn làm đơn đăng ký. Giữa lúc khó khăn, nguồn vốn như là chiếc phao cứu sinh của anh. Số vốn tuy không nhiều nhưng trong thời gian đầu cũng đủ để anh mua 100 con gà, trồng cây, đầu tư thêm để mở rộng phần ao. Hai năm sau, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Phúc đã từng bước đi vào ổn định và mang lại thu nhập.
Trên đà phát triển, sau khi tất toán khoản vay, với mong muốn mở rộng thêm quy mô trồng trọt, chăn nuôi, anh Phúc tiếp tục vay thêm với số tiền vay là 30 triệu. Với số tiền vay mới cùng với tiền lãi những năm trước đó, anh Phúc tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng, thả thêm cá, nuôi hàng trăm con gà, ngan, tạo việc làm thêm cho mọi người trong gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm mở rộng quy mô, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh phúc rộng gần 3.000 mét vuông, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Tổng đàn giai đoạn cao điểm gồm 400 con gà, 300 con ngan, hàng chục cây ăn quả.
Trong những năm qua, còn có nhiều mô hình vay vốn đạt kết quả cao như: Mô hình nuôi gà của đoàn viên Vũ Thị Thu tại Công đoàn Trường Mầm non Sài Sơn A (LĐLĐ huyện Quốc Oai) đã tạo thu nhập bình quân ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.Hay trường hợp đoàn viên Nguyễn Thị Như Quỳnh công tác tại Trường Mầm non Xuân Giang (LĐLĐ huyện Sóc Sơn), vay vốn đầu tư nuôi 1.000 đôi chim bồ câu, mỗi tháng thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng, tạo thêm 1 việc làm mới cho người thân đoàn viên vay vốn…
Hỗ trợ trên 11.500 lượt đoàn viên
Ngoài những trường hợp cụ thể đã được kể ở trên, còn rất nhiều đoàn viên, CNVCLĐ thời gian qua đã được Quỹ hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ qua, Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình với nguồn vốn được giao quản lý trên 69,3 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở (CĐCS) thẩm định, giải ngân 283,1 tỷ đồng cho hơn 11.500 lượt đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm mới cho hơn 11.500 người. Đã có gần 3.000 đoàn viên, CNVCLĐ tại 179 CĐCS tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân trên 73,5 tỷ đồng; xét duyệt 36 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với số tiền giải ngân 6,3 tỷ đồng cho 120 hộ gia đình đoàn viên, CNVCLĐ.
Thông qua hoạt động của Quỹ Trợ vốn đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ, hạn chế và đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn Thủ đô. Có thể kể đến, riêng trong năm 2022, tổng số tiền Quỹ Trợ vốn đã giải ngân là trên 59,8 tỷ đồng, giải quyết cho 1.997 đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn tại 138 CĐCS. Trong đó, đã có 831 đoàn viên, CNVCLĐ tại 38 CĐCS lần đầu được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn tương ứng với số vốn giải ngân khoảng 24,8 tỷ đồng. Cụ thể, Quỹ đã triển khai cho: 1.425 người vay vốn trong sản xuất kinh doanh cải thiện thu nhập với số tiền giải ngân trên 42,7 tỷ đồng; 552 người vay vốn cải thiện phương tiện sinh hoạt với số tiền giải ngân trên 16 tỷ đồng; 14 người vay vốn cải thiện nhà ở với số tiền giải ngân 560 triệu đồng; 6 người vay vốn hỗ trợ học nghề với số tiền giải ngân 180 triệu đồng.
Được biết, công tác giải ngân diễn ra tuyệt đối an toàn, đúng đối tượng, quy trình vay vốn từng bước được cải tiến và ngày càng hoàn thiện theo đúng trình tự, thủ tục đảm bảo tuân thủ nghiêm 7 quy trình vay vốn. Hình thức giải ngân bằng chuyển khoản dần thay thế hình thức giải ngân bằng tiền mặt giúp Quỹ trợ vốn đảm bảo an toàn công tác giải ngân, tiết kiệm chi phí. Cùng đó, công tác kiểm tra thực tế sử dụng nguồn vốn vay tại cơ sở được Quỹ tăng cường nhằm đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kenh-thoat-ngheo-cua-doan-vien-161251.html