'Kéo' cộng đồng trở về với trò chơi dân gian:Khôi phục trò chơi dân gian - khôi phục giá trị văn hóa quý giá
Tại Indonesia, trò chơi dân gian được xác định là di sản phi vật thể, chứa đựng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Chính vì vậy, chính quyền nhiều địa phương trên khắp quốc đảo này đang nỗ lực bảo tồn, khôi phục trò chơi dân gian nhằm lưu giữ giá trị truyền thống đặc sắc.
Theo thống kê, tại Indonesia có tới hàng trăm trò chơi dân gian tiêu biểu cho các bang khác nhau. Trong “cơn lốc” công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều trò chơi truyền thống đã dần bị lãng quên, để lại không ít tiếc nuối cho không chỉ những người làm văn hóa.
Thật may mắn khi những năm gần đây, sau quá trình phát triển “nóng”, các nhà quản lý đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, bao gồm cả trò chơi dân gian. Nhiều chương trình, dự án khôi phục hoạt động giải trí cổ xưa này đã được triển khai ở nhiều địa phương.
Gần đây nhất, chính quyền tỉnh Lampung, nằm ở phía nam đảo Sumatra, đã lên kế hoạch đưa trò chơi truyền thống có tên gọi “Batak Lampung” thành môn thể thao quốc tế. Đây là trò chơi phổ biến nhất trong lễ hội Gawai tại các nhà dài của cộng đồng người Iban. Hai người chơi sẽ kéo một miếng gỗ và người nào giữ được miếng gỗ cuối cùng sẽ là người chiến thắng. Trò chơi này thử thách sức mạnh của người chơi và giúp củng cố mối quan hệ cộng đồng.
Chủ tịch Liên đoàn quốc gia người Dayak Sarawak, Tiến sĩ Gluma Saban cho biết: "Chúng tôi phải quảng bá và biến trò chơi thành một biểu tượng thể thao, thậm chí là đưa nó lên đấu trường quốc tế để mọi người nhớ tới. Nếu không, “Batak Lampung” sẽ bị mai một".
Ngoài việc thúc đẩy “Batak Lampung” trở thành môn thể thao quốc tế, chính quyền tỉnh thường xuyên khuyến khích khách du lịch trải nghiệm trò chơi này, hướng tới đưa “Batak Lampung” trở thành một hoạt động chính thức trong các chuyến du lịch cộng đồng.
Công việc bảo tồn trò chơi dân gian không chỉ được triển khai bởi chính quyền, nhiều nhà hoạt động, tình nguyện viên cũng tích cực tham gia vào nỗ lực này. Nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Mohamad Zaini Alif là một trong những gương mặt nổi bật tại Indonesia với các dự án khôi phục trò chơi truyền thống.
Thông qua nghiên cứu của mình và phát hiện ra hàng trăm trò chơi truyền thống đã bị mai một, ông Mohamad Zaini Alif quyết tâm thành lập một nhóm hỗ trợ có tên gọi Cộng đồng Hong vào năm 2003 ở Bandung, tỉnh Tây Java, để bảo tồn chúng.
Cộng đồng này, hiện có hơn 150 thành viên, thường xuyên đến các trường học để giúp đỡ việc đưa các trò chơi truyền thống vào chương trình giảng dạy. Họ tổ chức các lễ hội, tiến hành đào tạo và hướng dẫn trực tuyến về cách chơi các trò chơi truyền thống, cách chế tạo đạo cụ cho trò chơi đó.
Ông Mohamad Zaini Alif khuyến khích mọi người ở các vùng khác của Indonesia thành lập cộng đồng của riêng của họ để phục hồi và bảo tồn các trò chơi truyền thống bản địa.
Ông Mohamad Zaini Alif cho biết, những trò chơi truyền thống này không chỉ giúp trẻ em và người lớn duy trì hoạt động vui chơi cùng bạn bè, mà còn là công cụ để dạy trẻ em về sự trung thực, cách làm việc nhóm. Nhưng, dù mang ý nghĩa lớn lao, nhiều trò chơi truyền thống đang dần biến mất, đặc biệt là đối với những người sống ở thành phố do thiếu không gian, không có khả năng tiếp cận vật liệu tự nhiên để làm thiết bị cần thiết và sự cạnh tranh từ đồ chơi, trò chơi điện tử.
Với mong muốn bảo tồn các trò chơi truyền thống, ông Mohamad Zaini Alif cố gắng giới thiệu chúng trở lại cộng đồng thông qua trường học và các khu dân cư. Ông cũng thiết kế để những trò chơi này trở thành hoạt động nhóm trong các doanh nghiệp với hy vọng người lớn yêu thích trò chơi dân gian và sau đó truyền lại cho con cháu.
Ngày nay, giới trẻ mất đi hứng thú với các trò chơi truyền thống và có xu hướng trở nên rụt rè, thiếu kỹ năng xã hội, thiếu tinh thần thể thao và khó chấp nhận thất bại. Thay vì các trò chơi truyền thống, chúng đắm chìm nhiều hơn vào các trò chơi máy tính. Không thể phủ nhận, các trò chơi hiện đại có thể giúp trẻ học công nghệ mới, với lợi thế là không cần phải ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, chơi trò chơi máy tính sẽ làm giảm các hoạt động thể chất và cơ hội giao lưu xã hội của trẻ.
Theo Tiến sĩ Raul Pertierra, Giáo sư xã hội học và nhân chủng học tại Ateneo de Manila, bảo tồn văn hóa và truyền thống chính là bảo tồn gốc rễ của mình. Đó là thương hiệu của mỗi địa phương để khẳng định sự khác biệt đối với những khu vực khác. Tầm quan trọng của trò chơi dân gian thường bị đánh giá thấp, nhưng vai trò của chúng đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội và văn hóa qua nhiều thế hệ. Việc bảo tồn trò chơi dân gian nên bắt đầu từ chính người trưởng thành - những người sẽ truyền lại cảm hứng cho con em mình.