Kéo dài chân tăng chiều cao: Cắt xương, đeo khung hàng tháng trời
Phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất để tăng chiều cao khi đã ở độ tuổi ngừng phát triển. Tuy nhiên, phương pháp này được thực hiện như thế nào không phải ai cũng biết.
Thông tin về ca phẫu thuật kéo dài chân mới đây tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giúp một nam sinh 23 tuổi cao thêm 10 cm khiến nhiều người hứng thú, đặc biệt những người có chiều cao khiêm tốn đã ở độ tuổi hết phát triển chiều cao.
Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về việc kéo dài chân liệu có làm ảnh hưởng tới những sinh hoạt bình thường của mình.
Về điều này, Zing.vn đã có trao đổi với PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người vừa thực hiện ca kéo dài chân cho nam sinh trên.
Chân dài ra như thế nào khi được kéo?
- Chân một người sẽ dài ra như thế nào khi được phẫu thuật kéo dài chân, thưa bác sĩ?
- Về nguyên lý muốn kéo dài thì phải cắt xương, rồi dùng dụng cụ để kéo xương ra, khi kéo dài, 2 phần xương dần xa nhau, lúc đầu tạo thành khoảng trống, màng xương là nơi sinh xương sẽ tái sinh dần thành xương mới.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa và theo lứa tuổi của từng người mà tốc độ tái sinh nhanh hay chậm. Tuổi càng trẻ khả năng tái sinh càng nhanh. Để xương phục hồi trở lại đủ cứng và to như xương lành thì 1 cm thường mất từ 35-40 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu kéo.
- Tại sao lại phải kéo với tốc độ chậm như vậy?
- Khi cứ giãn ra một mm, các tế bào của xương, da, cơ, gân, mạch máu thần kinh cũng tái sinh tương tự. Mục đích của việc kéo giãn với tốc độ chậm như thế nhằm để các tế bào xương, da, cơ, tế bào mạch máu thần kinh kịp bù đắp lại.
- Phẫu thuật kéo dài chân được thực hiện từ rất nhiều năm về trước, kỹ thuật hiện nay có gì khác so với trước hay không?
- Nguyên lý kéo dài chi mà đến nay vẫn còn được áp dụng, được bắt đầu thực hiện từ năm 1951, cách đây gần 70 năm. Nguyên lý đó là cắt xương, sau đó kéo giãn với tốc độ 1 mm/24 giờ.
Trước đây, các bác sĩ phải xuyên 8 đinh qua xương và lắp khung bên ngoài để căng giãn từ từ với tốc độ 1 mm/ngày. Khi kéo dài đạt chiều cao như ý muốn, bệnh nhân còn phải mang khung chờ thêm khoảng 7-10 tháng, thậm chí tới 12 tháng tiếp theo để xương liền chắc, sau đó mới tháo bỏ khung.
Điều đó có nghĩa bệnh nhân phải đeo khung suốt thời gian thực hiện, nên rất cồng kềnh và vướng víu trong sinh hoạt, chưa kể các biến chứng nhiễm trùng chân đinh hoặc lệch vẹo, xoay trục, biến dạng chi trong quá trình kéo giãn.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã áp dụng tiến bộ mới. Trước khi cắt xương, các bác sĩ đặt một chiếc đinh trong lòng ống tủy xương, và đã cải tiến khung kéo chỉ sử dụng 4 đinh nhỏ xuyên qua 2 đầu xương.
Khi kéo giãn đủ chiều dài, khung sẽ được tháo bỏ. Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc.
- Với sự cải tiến này, bệnh nhân được lợi gì?
- Với phương pháp mới này, thời gian đeo khung được rút ngắn chỉ còn 1/4 so với trước đây. Việc tháo khung sớm cũng tạo điều kiện cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt và công tác, đồng thời sẹo nhỏ và ít đi rất nhiều, nhờ có đinh nằm trong ống tủy mà chân kéo dài luôn thẳng, không còn gặp biến chứng biến dạng, xoay trục như trước kia.
Những biến chứng có thể gặp?
- Bác sĩ cho biết những rủi ro bệnh nhân có thế đối mặt khi kéo dài chân?
- Đây là một kỹ thuật phức tạp. Nếu tay nghề bác sĩ không tốt biến chứng có thể xảy ra. Tai biến trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra như cắt xương không khéo thì xương vỡ, hoặc gây tổn thương máu, thần kinh. Đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Người kéo bị viêm xương thì cũng coi như là một thất bại. Họ cũng có thể gặp biến chứng muộn như khi đang kéo, chậm liền xương, xương không liền, khối can xương không đủ khỏe.
- Nhiều người cho rằng kéo dài chân sẽ làm giảm tuổi thọ của người kéo, điều này có đúng không?
- Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới ngay được. Do đó, người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo thể trạng và mức độ kéo dài.
- Vậy đôi chân sau khi có chiều cao mới có hoạt động bình thường như trước?
- Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy, đá bóng, leo núi bình thường.
Ai nên kéo dài chân?
- Trước sự phức tạp của kỹ thuật này, theo bác sĩ ai nên kéo dài chân và ai không nên?
- Về nguyên lý, bất cứ ai có nguyện vọng thì đều có thể thực hiện kéo dài chân được, tuy nhiên phần lớn thực tế hiện nay kéo dài chân chủ yếu là với những người có tầm vóc thấp hoặc người mắc các dị tật, thương tật chênh lệch 2 chân trên 3 cm (với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn), hoặc nếu chênh lệch ít mà ở người có nguyện vọng nâng chiều cao thì cũng là một chỉ định rất thích hợp, khi đó vừa làm cân bằng được hai chân vừa nâng được chiều cao.
- Độ tuổi thích hợp để kéo dài chân là khi nào thưa bác sĩ?
- Đó là lứa tuổi từ 20-30, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Gần đây nhất, tôi đã phẫu thuật cho một phụ nữ 36 tuổi (đã có gia đình, 2 con), cao 1,52 m kéo dài chân thêm 8 cm. Hiện, cô ấy phục hồi rất tốt.