Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Ngày 10-6, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại Nhà QH.

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: QUANG HOÀNG

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: QUANG HOÀNG

Ngày 10-6, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại Nhà QH.

Hỗ trợ và bảo vệ người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

Thảo luận dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), nhiều đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng. Tuy nhiên, qua rà soát các quan điểm, định hướng của Đảng về nội dung này, nhiều đại biểu đánh giá việc thể chế hóa chưa đầy đủ, chưa làm rõ yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động cũng như tính tương thích với các điều ước quốc tế. Hơn nữa, nhiều nội dung, quy định trong dự thảo luật còn mang tính ứng phó, bản chất của việc sửa đổi thiếu căn cơ, toàn diện, xa rời các mục tiêu của chính sách và yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Bình Dương) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật nêu những quy định khái quát về chính sách đối với người lao động, nhưng vẫn chưa phản ánh hết mức độ, phạm vi, định hướng trong tổng thể chính sách trước bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm, yêu cầu và định hướng phát triển nguồn nhân lực của đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới. Đồng tình với chính sách của Nhà nước quy định “thực hiện các biện pháp cần thiết đưa người Việt Nam làm việc tại nước ngoài về nước trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh tại quốc gia, vùng lãnh thổ có lao động Việt Nam làm việc hoặc trong trường hợp người lao động gặp rủi ro”, nhưng đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số ý kiến đề nghị có đánh giá tác động, quy định rõ các biện pháp cần thiết, trách nhiệm và nguồn lực thực hiện.

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đối với người lao động sau khi về nước, nhất là trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng và tạo việc làm để tránh lãng phí nguồn lực, giúp người lao động tái hòa nhập cộng đồng. Các quy định cần được soạn cụ thể, có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, làm rõ trách nhiệm, tính khả thi về quản lý, nhân lực, khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu quan tâm việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) và nhiều ý kiến nhấn mạnh, quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nhưng cần coi đây là biện pháp “ngăn chặn” thay vì “cưỡng chế” để phù hợp các chế tài trong dự thảo luật, cũng như bảo đảm xử lý đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm theo thủ tục hành chính.

Sáng qua, thảo luận về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, nhiều đại biểu tán thành chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và cấp xã cần được cân nhắc thận trọng, bởi hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh.

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp

Thay mặt Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH đối với Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025. Với 94,41% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của QH về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14.

Nghị quyết nêu rõ, kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của QH về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31-12-2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Theo báo cáo, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần sớm trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp quy định của pháp luật và thể hiện rõ chính sách miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Chiều qua, tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đọc báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban TVQH, QH biểu quyết thông qua dự án Luật Giám định tư pháp sửa đổi với 449 đại biểu tán thành, bằng 92,96%. Trước đó, các đại biểu QH biểu quyết thông qua ba điều trong dự án luật gồm các điều 12, 25, 26a với tỷ lệ tán thành cao. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung 26 điều, chỉnh lý kỹ thuật ba điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

QH thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Sau khi nghe một số ý kiến của đại biểu QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải trình: Những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của Agribank đã có những cải thiện rất rõ nét, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và tăng trưởng hằng năm. Nợ xấu được kiểm soát, lợi nhuận liên tục tăng trưởng cao và tăng nộp ngân sách của Nhà nước. Chính phủ thống nhất bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng số lợi nhuận thực nộp ngân sách nhà nước của Agribank năm 2020 tối đa không quá 3.500 tỷ đồng nhằm bảo đảm không ảnh hưởng cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 đã được QH thông qua...

Hiện nay, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận, đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Do đó, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cần xây dựng quy định quản lý chặt chẽ những doanh nghiệp này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau)

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Tuy nhiên, trẻ em nghiện ma túy là nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, rất cần sự hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước, gia đình và xã hội. Việc đưa trẻ em vào cai nghiện tại trường giáo dưỡng là không phù hợp về chức năng của những cơ sở này, cũng như có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển của trẻ em và người chưa thành niên. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này, nên quy định đưa các em vào cơ sở chữa bệnh có điều kiện cơ sở vật chất, năng lực, chuyên môn.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng thương mại có khả năng huy động được vốn, gia tăng được huy động vốn thì sẽ mở rộng được tín dụng. Tín dụng của Agribank có đến 70% đi vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây là điểm chúng ta cần phải hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44810502-keo-dai-thoi-han-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep.html