Kéo giảm rủi ro, kinh nghiệm từ quốc tế

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Á là khu vực phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên nhiều nhất trên thế giới. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia đều có những kinh nghiệm để ứng phó nhằm giảm bớt rủi ro do thiên tai gây ra.

Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines sơ tán người dân khỏi cơn bão Yagi vừa qua. Nguồn ảnh: AP.

Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines sơ tán người dân khỏi cơn bão Yagi vừa qua. Nguồn ảnh: AP.

Chính quyền chủ động

Mỗi năm đất nước Philippines phải đối mặt trung bình khoảng 20 cơn bão, ông Markus V.Lacanilao - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự phụ trách các vấn đề công cộng của Philippines cho biết, nhờ chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó nên quốc gia này đã giảm nhẹ được các thiệt hại so với sức tàn phá của bão lũ có thể gây ra. Cùng với việc truyền thông, tư vấn cho người dân về mối nguy hiểm của thiên tai, chính quyền còn chú trọng xây dựng hệ thống cảnh báo sớm; chú trọng công tác truyền thông về phòng chống thiên tai; xây dựng các địa điểm sơ tán chuyên dụng; nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của thảm họa thông qua các biện pháp can thiệp mang tính công trình và phi công trình.

Còn ở Nhật Bản, nơi phải phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi các loại hình thiên tai động đất, sóng thần, bão, lụt... Chính quyền đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập, xử lý thông tin nhằm đưa ra những dự báo và cảnh báo chính xác nhất đến người dân. Ví như, hệ thống cảnh báo J-Alert, giúp truyền tải thông tin khẩn cấp đến người dân qua tin nhắn điện thoại, truyền hình và hệ thống phát thanh công cộng. Hệ thống cũng cung cấp cho người dân về các địa điểm trú ẩn ở gần nơi mình nhất; cũng như cung cấp các loại bản đồ lánh nạn; xây dựng trung tâm lánh nạn tập trung, các công trình công cộng kiên cố.

Quan trọng hơn cả, ngay từ lớp 1 học sinh ở Nhật Bản đã bắt đầu với các bài dạy cách phòng chống hiểm họa ở gia đình, trường học. Lên lớp 2, trẻ tiếp tục được huấn luyện cứu hỏa: cách thoát khỏi một đám cháy, xử lý khi áo quần bắt lửa... Lớp 4, học cách ứng phó với các thiên tai phổ biến như động đất, lũ lụt, bão... Các chương trình giáo dục cách ứng phó thiên tai kéo dài đến hết trung học phổ thông.

Trước khi mùa mưa bão đến, chính quyền Nhật Bản luôn chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, kiểm tra hệ thống cột điện, cột viễn thông, cắt tỉa cây xanh…

Cũng là một trong những quốc gia thường xuyên phải chống chọi với các thảm họa về lũ lụt, sạt lở đất, chính quyền Trung Quốc đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, đê điều, hồ đập, phòng chống trước khi bão lũ xảy ra; rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ thiên tai trước và trong khi xảy ra mưa lũ; quản lý vùng chứa nước, cứu trợ thảm họa, thiết lập các cơ chế dự báo, cảnh báo sớm thiên tai nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra để kịp thời đưa ra các khuyến cáo. Chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về phòng chống thiên tai... Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng mô hình “người dân kiểm soát, người dân phòng tránh” huy động hơn 29 vạn người tham gia ở 3 cấp (huyện, xã và thôn) trong phòng, chống lũ lụt và sạt lở đất nhằm giúp người dân chủ động biện pháp phòng tránh thiên tai; đã thực hiện chế độ bảo hiểm lũ lụt đối với cư dân và các đơn vị trong vùng lũ dưới hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc, nhằm giúp người dân sớm tái thiết lại cuộc sống sau thiên tai và giảm gánh nặng chi phí cho nhà nước.

Điểm chung ở các nước hay xảy ra thảm họa thiên tai là các công trình phòng chống thiên tai đều được đầu tư chắc chắn, đầu tư trồng rừng và chú trọng tuyên truyền kỹ năng ứng phó thiên tai tới người dân…

Người dân hợp tác

Không chỉ chính quyền, ở những quốc gia thường xảy ra thiên tai, người dân luôn nâng cao cảnh giác và hợp tác để ứng phó thiên tai một cách hiệu quả.

Tại Philippines, người dân thực hiện đúng khuyến nghị về xây dựng nhà cửa kiên cố với mái nhà được thiết kế chịu được gió mạnh. Họ cũng chuẩn bị sẵn các túi đồ cần thiết để khi sơ tán có thể mang theo; quan trọng nhất là thực hiện nghiêm túc lệnh sơ tán của chính quyền khi có yêu cầu.

Đối với người dân Nhật Bản cũng vậy, họ ý thức ứng phó thiên tai ngay từ khâu xây dựng nhà cửa với những căn nhà được thiết kế chống động đất, nội thất như tủ, giá sách, giá bát được thiết kế âm tường để tránh gây thương tích khi có thiên tai xảy ra. Họ cũng tự chuẩn bị túi khẩn cấp theo khuyến cáo của chính quyền, bao gồm: Mũ bảo hiểm, lương khô, nước uống, đèn pin, bật lửa, quần áo, thuốc men, điện thoại, radio…; sơ tán đến các cơ sở lánh nạn tập trung do chính quyền quản lý.

Còn người dân Trung Quốc ở vùng hay xảy ra thiên tai thì chủ động tham gia vào mạng lưới giám sát, phòng ngừa những hiện tượng bất thường của thiên nhiên để báo cho chính quyền biết mà đưa ra khuyến cáo kịp thời. Về phần mình, người dân Trung Quốc thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn về người và của đã được khuyến cáo.

T.Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/keo-giam-rui-ro-kinh-nghiem-tu-quoc-te-10291283.html