'Mạch máu' thông tin trong bão lũ

Cơn bão số 3 mang tên Yagi đã đi qua, hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Những tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm xương máu là cần thiết, bởi những siêu bão như thế sẽ còn xuất hiện nữa.

Nhân viên VNPT khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 ở Hải Phòng.

Nhân viên VNPT khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 ở Hải Phòng.

Nói như TS. Nadia Bloemendaal, nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Nghiên cứu Môi trường, Đại học Amsterdam, Hà Lan, siêu bão xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam như bão Yagi sẽ trở nên thường xuyên, có thể hàng năm chứ không bất thường 70 năm mới xuất hiện một lần.

Như vậy dù công tác chuẩn bị rất kỹ, nhưng thiệt hại về nhân mạng và tài sản là rất lớn. Cũng có thể do khu vực phía Bắc hầu như không có bão, thậm chí có những vùng chưa biết mùi vị của bão là gì, nên dù có trù tính mọi cấp độ nhưng vẫn hoàn toàn bất ngờ khi phải đối mặt với cơn bão và hậu bão có sức tàn phá khủng khiếp.

Nhưng có một chuyện không nên để lặp lại trong bối cảnh bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, chiến tranh, dịch bệnh trên quy mô lớn. Đó là chuyện thông tin liên lạc bị tê liệt nhiều ngày trên quy mô rộng lớn.

Quay trở lại lúc 13 giờ ngày 7-9, bão bắt đầu đổ bộ vào Hải Phòng, cho đến tối thì 6.285 trạm thu phát sóng di động không còn hoạt động nữa, nguyên nhân do mất điện khiến cho các tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, làm mất thông tin liên lạc.

Bởi lẽ các trạm thu phát sóng này hoàn toàn phụ thuộc vào điện lực, mất điện là không có tác dụng. Chưa kể siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền với cấp gió từ 16 trở lên và có tốc độ gió từ trên 184km/giờ, đã quật đổ không chỉ cây xanh, cột điện mà còn tất cả các trạm thu phát sóng viễn thông.

Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” thì thông tin liên lạc vô cùng quan trọng. Mất thông tin là không nắm được diễn tiến, không biết được thực trạng và không nhận được sự chỉ đạo, không đưa ra được các quyết định để sử lý được các tình huống kịp thời.

Đảo Bạch Long Vĩ là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng biển của Việt Nam, nhưng trong trận bão này Bạch Long Vĩ hoàn toàn mất thông tin liên lạc với đất liền và nội đảo gần trọn 1 ngày, do bị mất điện và toàn bộ các trạm phát sóng bị đổ sập.

Chính vì không có thông tin liên lạc nên các xã không nhận được sự chỉ đạo từ huyện, và huyện không nhận được sự chỉ đạo kịp thời từ tỉnh và trung ương. Chính vì thông tin liên lạc không thông suốt, nên nhiều nhóm dân cư tự thoát hiểm đến những nơi an toàn nhiều ngày, trường hợp thôn Kho Vàng ở Lào Cai là một thí dụ.

Sáng ngày 9-9, anh Vàng Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng thấy tình hình nguy hiểm, nên quyết định dẫn toàn bộ 17 hộ dân với 115 nhân khẩu di tản lên một quả núi cách thôn chừng 1 km lánh nạn. Mãi đến ngày 11-9, chính quyền địa phương mới tìm được nhóm dân cư này sau gần 3 ngày lánh nạn.

Các tỉnh, thành nằm trong vùng bão lụt sử dụng mạng của VNPT, MobiFone, Viettel. Nhờ có hàng chục ngàn trạm thu phát sóng BTS - trạm thu phát sóng di động được sử dụng trong hệ thống mạng viễn thông bởi các nhà cung cấp dịch vụ (ISP), bên cạnh còn có hàng ngàn trạm phát sóng nhỏ (small cell) để phủ sóng cho các khu vực lõm sóng.

Với hệ thống phủ kín như thế người dân rất dễ dàng trao đổi thông tin với nhau qua smart phone một cách nhanh chóng. Hệ thống thông tin liên lạc này hiệu quả trong trường hợp “trời yên, sóng lặng”, nhưng sẽ có vấn đề ngay nếu mất điện là mất sóng.

Có thể lâu nay các nhà cung cấp dịch vụ quá tin tưởng vào tính an toàn của hệ thống trong trạng thái bình thường, không có kế hoạch dự phòng, nên khi sự cố xảy ra là rơi ngay vào bị động. Sau sự cố này chắc chắn các nhà cung cấp dịch vụ đã nhận ra tử huyệt này và sẽ khắc phục vào thời gian tới.

Một giải pháp các nước tiên tiến đã sử dụng là kết nối máy tính, điện thoại thông minh với vệ tinh thông tin bay cách mặt đất 550km. Tín hiệu internet sẽ được bắn từ các vệ tinh thẳng xuống các thiết bị thu nhận trên mặt đất. Điểm mạnh của internet vệ tinh là phá bỏ giới hạn khoảng cách.

Chẳng hạn vùng đồi núi, hải đảo với địa hình khó khăn hay gặp thời tiết phức tạp, vẫn có thể truy cập được vào mạng một cách bình thường, hơn thế nữa các thiết bị đầu cuối không đòi hỏi phức tạp. Tuy nhiên giá cả còn khá cao, do Việt Nam chưa có vệ tinh viễn thông của riêng mình, mà phải trả tiền thuê, nên khó phổ cập cho toàn xã hội. Nhưng nếu chỉ trang bị cho mỗi xã, nhất là các xã ở vùng cực kỳ khó tiếp cận một điện thoại vệ tinh thì hoàn toàn có thể.

Thực tế cho thấy, VNPT khôi phục hệ thống viễn thông trên đảo Bạch Long Vĩ sau hơn 20 giờ mất sóng là cung cấp cho Bạch Long Vĩ đường truyền nhận từ vệ tinh, chứ không phải từ cáp quang hay trạm phát sóng, vì khi này Bạch Long Vĩ bị mất điện, tất cả các trạm thu phát của các nhà mạng bị đổ sập hoàn toàn.

Trong bối cảnh khẩn cấp đó, VNPT đã lập tức cung cấp điện thoại vệ tinh chuyên dụng cho lãnh đạo huyện, phục vụ cho việc kết nối, trao đổi thông tin với lãnh đạo TP Hải Phòng để nhận được sự chỉ đạo cần thiết. Và đến trưa ngày 11-9, mạng viễn thông công cộng, sóng Vinaphone tại Bạch Long Vĩ mới được khôi phục trong niềm vui, sự phấn khởi của chính quyền và người dân trên đảo.

Một điều nữa cần nhấn mạnh lại là mạng viễn thông của chúng ta phụ thuộc vào điện, mất điện là mất sóng, mất điện là các hoạt động bị đảo lộn. Thực tế trong những ngày bão lũ vừa qua, điện lực cũng có những vấn đế nghiêm trọng.

Rất nhiều các khu vực của các tỉnh, thành bị mất điện kéo dài, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, do hàng ngàn cột điện và cây xanh gãy đổ. Từ sự cố này có lẽ đến lúc các thành phố lớn cần tính toán ngầm hóa hệ thống truyền tải điện, cáp viễn thông đưa xuống lòng đất để đảm bảo an toàn.

Đi trên đường phố Singapore, chúng ta có thể nhìn thấy cột đèn đường thắp sáng nhưng không thấy dây điện, bởi hầu như hệ thống truyền tải điện và viễn thông của Singapore đã được cất giấu an toàn dưới lòng đất. Do vậy Singpore đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho người dân trong mưa bão, mặc dù Singapore không phải chịu nhiều bão và khốc liệt như Việt Nam.

Chúng ta cần chuẩn bị cho một tương lai khó đoán định trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan bất thường, và cả tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp, chỉ một sơ suất là có thể đưa vào thế khó. Cho nên binh pháp có câu “nuôi quân 3 năm sử dụng 1 giờ”.

TS. NGUYỄN MINH HÒA

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/mach-mau-thong-tin-trong-bao-lu-post117168.html