Kéo giảm tình trạng tái phạm tội

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng tái phạm tội trên địa bàn đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tâm (thứ 2 từ phải qua) tái phạm tội và bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 26-9. Ảnh: T.Tâm

Bị cáo Nguyễn Thanh Tâm (thứ 2 từ phải qua) tái phạm tội và bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 26-9. Ảnh: T.Tâm

“Ngựa quen đường cũ”

Thời gian qua, một số người sau khi ra tù vì không chịu làm ăn, thích tiêu xài phung phí hoặc tiếp tục lao vào ma túy…, đã khiến bản thân rơi vào vòng tù tội lần này đến lượt khác. Trong đó có không ít đối tượng tái phạm tội, thậm chí có đối tượng còn có phần lớn cuộc đời sống trong chốn lao tù.

Đơn cử như trường hợp Huỳnh Quốc Hùng (44 tuổi, ngụ huyện Long Thành) đã bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt mức án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy vào ngày 12-12.

Từ khi mới 18 tuổi, bị cáo Hùng đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Sau đó, Hùng nghiện ma túy và phải đi cai nghiện bắt buộc. Đến năm 2007, Hùng bị TAND tỉnh tuyên 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Không dừng lại, với hàng loạt sai phạm của mình, Hùng đã có nhiều tiền án và nhân thân xấu. Từ ngày 1-10-2023 đến ngày 29-12-2023, Hùng đã 48 lần bán ma túy với tổng số tiền 167 triệu đồng cho người nghiện tại khu vực xã Long An (huyện Long Thành). Đến ngày 29-12-2023, trong một lần bán ma túy tại khu vực huyện Long Thành thì Hùng bị công an bắt giữ và bị TAND tỉnh tuyên xử mức án chung thân.

Cũng có những người ra tù chưa được bao lâu lại tự “gắn mác” cho bản thân là cán bộ điều tra cao cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Điển hình như Nguyễn Thanh Tâm (43 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh). Sau khi chấp hành xong án phạt tù 3 năm 6 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 2014 thì đến năm 2022, Tâm lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tâm khai nhận, sau khi ra tù, không có nghề nghiệp ổn định, lại tiêu xài phung phí, nợ nần chồng chất nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Từ ngày 3-4-2022 đến ngày 15-7-2022, Tâm đưa ra nhiều thông tin gian dối rằng bản thân là cán bộ thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ xã hội có khả năng làm thủ tục hủy bỏ kê biên đất, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, “chạy án” để lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều bị hại với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Với hành vi trên, ngày 26-9, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Tâm 14 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 13,5 ngàn người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Chỉ riêng năm 2024, đã có hơn 1,2 ngàn người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống.

Tái phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho biết, tình trạng tái phạm tội diễn ra khá phổ biến. Trong đó có một số đối tượng tái phạm tội nhiều lần với nhiều tiền án, tiền sự và nhân thân xấu.

Theo quy định của pháp luật, có 2 trường hợp phạm tội được xem là tái phạm tội gồm: người phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích (đặc điểm xấu về nhân thân) mà thực hiện tội phạm bất kỳ với lỗi cố ý; người phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý.

Cũng theo ông Sơn, trường hợp tái phạm được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc các đối tượng tái phạm tội xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các đối tượng sau khi ra tù không tìm được việc làm, lười lao động, chỉ muốn sống hưởng thụ, lao vào con đường nghiện ngập ma túy... nên tiếp tục phạm pháp.

Trước thực trạng này, để có thể giúp người sau khi chấp hành xong án phạt tù không tái phạm tội, các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt, đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, giải pháp giúp người sau khi ra tù tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, lực lượng công an đã thực hiện nhiều mặt công tác đối với người chấp hành xong án phạt tù như: tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và xây dựng nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, lực lượng công an cũng đã tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại và tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Tại Chương trình Gặp mặt, đối thoại, tư vấn việc làm “Thắp sáng niềm tin hòa nhập cộng đồng” cho người chấp hành xong án phạt tù vào ngày 11-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, để giúp đỡ những người tái hòa nhập cộng đồng, kéo giảm tình trạng tái phạm tội, các đơn vị, địa phương phải tiếp tục rà soát, lập danh sách phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho người chấp hành xong án phạt tù có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn được vay vốn theo quy định. Đồng thời, tiếp nhận, quản lý, giám sát và giúp đỡ, tạo điều kiện cho người thi hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có việc làm. Từ đó, đảm bảo tình hình an ninh trật tự được ổn định và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202412/keo-giam-tinh-trang-tai-pham-toi-c317c91/