Sử dụng thủ đoạn tinh vi, chuyển hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài...
Dùng các công ty 'ma', nhóm bị cáo chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài với số tiền đặc biệt lớn để hưởng lợi nhiều tỷ đồng.
Ngày 25-12, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Đào Thị Oanh (sinh năm 1991, Giám đốc Công ty ADIA) trong vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Cùng vụ án, còn có 5 bị cáo khác cũng bị xét xử về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Nhóm các bị cáo đã vận chuyển ra nước ngoài gần 4.000 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, khoảng đầu năm 2021, Đào Thị Oanh quen biết với Nguyễn Thụy Hương Trầm (ở TP.HCM, đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 2-2023). Khi đó, Trầm làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Sau khi quen biết nhau, cả hai liên kết cùng làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Trầm có nhiệm vụ tìm đối tác nước ngoài đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và tìm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài. Oanh vừa tìm kiếm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền, vừa thành lập các pháp nhân ở Việt Nam để đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu, mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, Oanh dùng tài khoản các công ty trong nước nhận tiền rồi chuyển tiền đến tài khoản các công ty ở nước ngoài.
Thực hiện thỏa thuận trên, từ tháng 11-2021 đến tháng 8-2022, bị cáo Oanh tổ chức, chỉ đạo các bị cáo Mai Thị Thu Hà, Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Vũ Thùy Linh, Đoàn Văn Thức thành lập, sử dụng 9 công ty tại các tỉnh, TP Hà Nội, TP HCM và TP Hưng Yên để mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế.
Thông qua 9 công ty nêu trên, Oanh đã lập 2013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống với 1.739 công ty tại 41 quốc gia để làm thủ tục chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 công ty trên theo hình thức chuyển tiền T/T- Thanh toán trước hợp đồng nhập khẩu.
Bằng thủ đoạn này, Oanh cùng Hà, Hồng Anh, Hạnh, Linh và Thức đã chuyển được tổng số hơn 3.923 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng nước ngoài.
Khi thực hiện chuyển tiền thanh toán quốc tế, 9 công ty này nợ bộ chứng từ hải quan và cam kết hoàn trả thủ tục sau khi nhận nhập khẩu hàng nhưng thực tế không có việc mua bán, nhập khẩu hàng hóa, không có chứng từ nhập khẩu hàng hóa nộp cho các ngân hàng, không khai báo thuế. Sau khi chuyển tiền, Oanh chỉ đạo các đối tượng cho giải thể công ty để tránh sự kiểm tra.
Trong vụ án này, bị cáo Đào Thị Oanh là đối tượng cầm đầu. Oanh đã tổ chức, chỉ đạo việc thành lập 9 công ty để mở tài khoản thanh toán quốc tế, kiểm soát mã, ký hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống với các đối tác nước ngoài để chuyển tổng số hơn 3.923 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài, thông qua ngân hàng, các công ty này nợ bộ chứng từ hải quan.
Trong vụ án này, bị cáo Đoàn Văn Thức bị cho là biết rõ việc thành lập các công ty để Oanh có pháp nhân chuyển tiền trái phép và được Oanh chia tiền trên số tiền chuyển trái phép ra nước ngoài.
Bị cáo còn đứng tên giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Futu, nhờ bạn thành lập 2 công ty để giao cho Oanh quản lý, sử dụng và thực hiện chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Các bị cáo Thức, Linh, Đạt chỉ đứng tên giám đốc, còn các hợp đồng ngoại thương, lệnh chuyển tiền sẽ do bị cáo Oanh trực tiếp hoặc nhờ người ký giả chữ ký của Thức, Linh, Đạt để làm thủ tục chuyển tiền trái phép, hưởng lợi 100 triệu đồng và đã nộp khắc phục số tiền này.
Từ ngày 6-4 đến ngày 9-6-2022, Thức giúp sức cho bị cáo Oanh thực hiện việc chuyển tổng số tiền hơn 869 tỷ đồng từ Việt Nam đến 394 công ty tại 25 quốc gia, thông qua Ngân hàng Techcombank.
Riêng Nguyễn Thụy Hương Trầm đã xuất cảnh sang Mỹ, số lượng công ty khác có dấu hiệu chuyển tiền trái phép và nhóm đối tượng liên quan (đối tượng trung gian, khách hàng chuyển tiền nước ngoài…) là rất lớn nên CQĐT tách hồ sơ, tài liệu liên quan để điều tra làm rõ sau.
Đưa Đào Thị Oanh và đồng phạm ra xét xử, song TAND TP đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết của vụ án.