Kéo khán giả trẻ đến gần nghệ thuật sơn mài
Trong không gian triển lãm ấm cúng, người xem vừa được ngắm những bức tranh sơn mài đầy phóng khoáng, vừa được mục sở thị các nguyên liệu làm tranh và lắng nghe câu chuyện hành trình của sơn mài từ khi còn là nhựa cây cho đến lúc trở thành một tác phẩm nghệ thuật thuộc dòng tranh được mệnh danh quý phái, huyền bí.
“Ai cũng có thể làm sơn mài”
Hơn 30 bức tranh của các học viên đến từ Dragon Sigma được trưng bày tại triển lãm “Giũa: Phong sắc” đều là tác phẩm của những người không chuyên, lần đầu tiếp xúc với sơn mài. Khác với những chủ đề quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình… vẫn thường thấy trong sơn mài truyền thống, những tác phẩm ở đây có cách tiếp cận tự do, phóng khoáng, gần gũi hơn của người trẻ.
“Chữ Giũa lấy cảm hứng từ kỹ thuật mài trong sơn mài, hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân. Đồng thời, tựa đề triển lãm là một cách chơi chữ ngụ ý “phóng”, mang tới hy vọng về sự chuyển động tiến lên”, họa sĩ Phạm Khắc Thắng, người sáng lập Dragon Sigma giải thích về tên gọi của dự án lần này. Với thông điệp “Sơn mài không cũ, và bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài”, Dragon Sigma không gò bó ý tưởng và tôn trọng tính bản sắc trong câu chuyện mỗi người qua tác phẩm của mình.
Có mặt tại triển lãm, Khánh Linh (sinh viên ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Khác với các triển lãm sơn mài khác, tác giả của những tác phẩm tại triển lãm đều là những người mới bắt đầu, do đó các tác phẩm rất tự nhiên, giàu cảm xúc, điều mà đôi khi những họa sĩ chuyên nghiệp đánh mất qua quá trình phát triển và cọ xát thực tế lâu năm”.
Một điều đặc biệt, người tham gia triển lãm còn được tiếp xúc với sơn mài bằng nhiều cách khác nhau: Quan sát trưng bày tranh của những người không chuyên, nghe giới thiệu về chất liệu và kỹ thuật sơn mài, trực tiếp trải nghiệm những kỹ thuật đó. Mai cua, vỏ trứng đà điểu, vỏ ốc biển... là những chất liệu ít xuất hiện trong sơn mài truyền thống nhưng nay được đưa vào khai thác và sử dụng trong các tác phẩm sơn mài ở triển lãm. “Trước giờ tôi vẫn tưởng sơn mài giống các dòng tranh khác, vẽ hết lớp màu này đến màu kia. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt, sờ tận tay các chất liệu cũng như hiểu được quy trình để tạo nên một bức tranh sơn mài kỳ công và thú vị như thế nào!”, Đình Dũng (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thích thú cho biết.
Triển lãm cũng trưng bày các ứng dụng sơn mài mang tên “Kem Ta”. Đây là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ những cây kem tuổi thơ và được làm từ chất liệu sơn mài truyền thống kết hợp với một số chất liệu mới do Dragon Sigma sáng tạo ra như mai cua, trứng chim cút, trứng đà điểu…
Không ngại phá cách
Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Mỹ thuật Việt Nam, gắn bó với sơn mài đã hơn 10 năm qua, Phạm Khắc Thắng chia sẻ, điều khiến anh mê đắm nghệ thuật vẽ tranh này là bởi “cách thể hiện luôn khiến người nghệ sĩ mong muốn đào sâu vào từng chất liệu trong tác phẩm. Sơn mài là cách vẽ ngược, vẽ rồi mài rồi lại vẽ, hình thái cuối cùng là khi người nghệ sĩ cảm thấy ổn nhất. Sơn mài tạo nên một màu sắc rất riêng đồng thời giúp mình thỏa sức sáng tạo. Sơn mài yêu cầu sự kiên trì rất cao trong quá trình làm vì mình sẽ mài từng lớp và đợi lớp đó khô mới có thể mài tiếp được”.
Tuy nhiên, là một nghệ sĩ trẻ, Thắng luôn khát khao mang nghệ thuật tiếp cận với hơi thở đương đại. Hầu hết các thực hành của anh đều sử dụng phổ màu tươi sáng, hình ảnh táo bạo, lấy cảm hứng từ Pop Art - những đặc điểm hiếm ai nghĩ khi nhắc đến sơn mài. “Nhiều người vẫn nghĩ dòng tranh này có phổ màu hạn chế, chủ yếu đỏ - vàng, đề tài thì loanh quanh hình ảnh quê hương… Tôi muốn mọi người gỡ bỏ suy nghĩ ấy”, Phạm Khắc Thắng nhấn mạnh.
Năm 2021, anh giới thiệu bộ sưu tập “Nàng thơ” trong một triển lãm nhóm. Tại đây, các bức tranh sơn mài của anh ứng dụng công nghệ quét AR (viết tắt của Augmented Reality), cho phép khán giả trải nghiệm thêm âm thanh, chuyển động. Sau khi hoàn thiện sản phẩm vật lý, người thực hiện sẽ chụp hình đưa lên các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh, bổ sung các chuyển động. Nhờ công nghệ thực tế ảo này đã góp phần đa dạng hóa trải nghiệm cho khán giả, giúp tác phẩm trở nên sống động, thú vị hơn.
Theo Phạm Khắc Thắng, việc sáng tạo, phá cách, đổi mới truyền thống là cần thiết đối với nghệ sĩ hiện nay. Trong quá trình thực hiện tác phẩm sơn mài thì các kỹ thuật, màu sắc,... đã luôn chứa đựng những giá trị nguyên gốc. Những công nghệ hiện đại, cách thức mới chỉ là yếu tố phụ trợ để tác phẩm có thể tiếp cận công chúng dễ dàng hơn.
Chuỗi sự kiện kéo dài đến hết 16/3, tại số 171 ngõ 75 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội.
Thắng kể, cũng sau lần tham gia triển lãm năm 2021, nhận thấy nhiều bạn trẻ còn nhầm lẫn giữa sơn mài và sơn dầu nên anh càng mong muốn mang sơn mài đến gần hơn với công chúng. Đó cũng là lý do thôi thúc Thắng xây dựng Dragon Sigma, một không gian học tập và trải nghiệm giúp những người chưa hiểu biết về sơn mài có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm với dòng tranh nghệ thuật này. Bên cạnh sơn mài, Dragon Sigma cũng dự định tiếp cận các chất liệu như lụa, mosaic, tranh kính, gốm trong tương lai.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/keo-khan-gia-tre-den-gan-nghe-thuat-son-mai-post1618819.tpo