Kéo người trẻ đến với sơn mài truyền thống
Sự phóng khoáng trong cách thể hiện của những người trẻ không chuyên về hội họa đã khiến cho sơn mài truyền thống có cơ hội tỏa sáng.
Không bó buộc trong những chủ đề như cây đa, giếng nước, sân đình, nhưng sự phóng khoáng trong cách thể hiện của những người trẻ không chuyên về hội họa đã khiến cho sơn mài truyền thống có cơ hội tỏa sáng.
Sự chuyển động của sơn mài
Sơn mài được xem là “quốc họa” của Việt Nam, song có tới gần 90% họa sĩ Việt thành danh là từ sơn dầu. Một quốc gia định hình được “đặc sản” mỹ thuật là sơn mài, sớm đưa sơn mài vào hội họa để dạy từ những năm 1930 nhưng lại có quá ít nghệ sĩ quan tâm tới chất liệu truyền thống.
Triển lãm “Giũa: Phong sắc” tại MAI Gallery từ ngày 3 - 10/3 (113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những triển lãm sơn mài hiếm hoi dịp đầu năm mới, và còn hiếm hoi hơn khi 30 tác phẩm được trưng bày là của những người trẻ không chuyên về hội họa, lần đầu tiếp xúc với sơn mài.
Họ đều là những học viên của studio Dragon Sigma, đến với hội họa không chỉ bởi đam mê vẽ vời, mà còn từ sự yêu mến văn hóa truyền thống. Họa sĩ Phạm Khắc Thắng - nhà sáng lập Dragon Sigma cho biết, từng có ý định đóng cửa studio bởi sơn mài khó tiếp cận với mọi người. Tuy nhiên sau đó, với cách tạo cảm hứng sáng tạo, hướng người trẻ tới các giá trị cổ truyền tốt đẹp mà sơn mài lại có cơ hội để tỏa sáng trong “Giũa: Phong sắc”.
“Giũa” là một kỹ thuật mài trong hoạt động sơn mài, tên hoạt động hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân. Đồng thời, tựa đề triển lãm là một cách chơi chữ ngụ ý “phóng” nhằm mang tới hi vọng về sự chuyển động tiến lên phía trước. Họa sĩ Phạm Khắc Thắng nói, sẽ cố gắng để “Giũa” trở thành hoạt động thường niên, bắt đầu từ năm nay.
Kéo người trẻ đến với truyền thống đã khó, để người trẻ đi đường dài với sơn mài còn khó hơn. Thế nhưng sau mỗi buổi học, thông qua các kỹ thuật, các câu chuyện kể, qua những khám phá sự mới mẻ… những người trẻ thêm yêu và thấy sự diệu kỳ của nghệ thuật truyền thống cũng như sự tinh tế mà cha ông đã từng chinh phục và sáng tạo.
Ví như câu hỏi “tại sao lại dùng giấy nhám trong vẽ sơn mài?”. Thông qua giải thích ngắn gọn nhưng đủ để người học nhớ lâu, rằng: Giấy nhám được dùng trong công đoạn mài tranh - một kỹ thuật vẽ độc đáo chỉ sơn mài mới có. Sau khi phủ các lớp màu và ủ khô, người vẽ cần sử dụng đá mài hoặc giấy nhám để làm các chất liệu, màu sắc được hiện lên và phẳng theo ý đồ nghệ thuật.
Giấy nhám có chỉ số càng nhỏ thì độ mịn càng nhỏ, tức là độ nhám càng cao: Độ mịn từ 120 - 400 dùng để mài phá (làm lộ và phẳng các chất liệu cứng như vỏ trứng, trai... Độ mịn từ 600 - 1.000 để mài moi - mài thô cho các chất liệu ở bên dưới như vàng, bạc, ngũ sắc... được hiện lên. Độ mịn từ 1.200 – 7.000 để mài chi tiết.
Cứ thế, với mỗi kỹ thuật, mỗi công đoạn, người trẻ như được bước vào thế giới xưa. Xưa nhưng không cũ, bởi mỗi lần xong một công đoạn là bức tranh hiện ra một thứ mới lạ. Và điều thu hút nhất của sơn mài, rất khác với các chất liệu là chỉ khi hoàn thiện, người vẽ mới biết “mặt mũi” tác phẩm của mình.
Ai cũng có thể đến với sơn mài
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng muốn tạo ra những trải nghiệm thú vị cho người trẻ khi đến với sơn mài từ những thực hành sử dụng phổ màu tươi sáng, hình ảnh táo bạo, mang hơi thở đương đại, lấy cảm hứng từ Pop Art - những đặc điểm hiếm ai nghĩ khi nhắc đến sơn mài.
Phân tích những hạn chế mang tính nghệ thuật của sơn mài, anh Thắng nhận ra bản thân sơn mài đầy ngôn ngữ tạo hình chứ không quanh quẩn vẽ đi vẽ lại mấy cảnh cây đa, bến nước, sân đình hay mấy con vật, cành tre khóm trúc… để khách du lịch mua làm quà lưu niệm. Thay vào đó, anh hướng người trẻ đến các sáng tạo mang hơi thở đương đại, phóng khoáng nhưng cũng đầy sâu lắng.
Trong 30 tác phẩm trưng bày tại “Giũa: Phong sắc”, người xem thấy những ý tưởng mới, táo bạo. Là sơn mài đấy nhưng không cũ! Vẫn là sơn mài nhưng ranh giới sáng tạo bắt nguồn từ ý tưởng thật mới mẻ.
Những tác phẩm như: Chim sa (Lê Ngọc Hân), Em cũng không biết nữa (Yến Linh), Tĩnh vật (Hương An)… người thưởng lãm sẽ thấy cá tính nghệ sĩ được hòa với màu tranh, giá trị truyền thống của dòng tranh sơn mài hòa cùng những ý tưởng đương đại. Mỗi bức tranh xoay quanh một câu chuyện khác biệt nhưng đều mang một điểm chung - sự nguyên bản.
Sơn mài không chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ hội họa, “Giũa: Phong sắc” còn trưng bày các ứng dụng sơn mài, và art toy sơn mài mang tên KEMTA. Đây là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ những cây kem tuổi thơ và được làm từ chất liệu sơn mài truyền thống. Từ đó, các nghệ nhân muốn truyền đi thông điệp “sơn mài không cũ, và bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với hội họa sơn mài”.
Ngược lại dòng lịch sử, hội họa sơn mài Việt Nam, kể từ năm 1932 tới nay, đã trải qua gần một thế kỷ phát triển. Từ cái “tĩnh” của nghìn năm trang trí, sơn ta được giải phóng để đến với cái “động” phóng khoáng, tự do.
Cuộc cách mạng sơn mài trong quá khứ đã thành công đến độ khiến cả thế giới phải sửng sốt, phá bỏ hoàn toàn nghi hoặc về khả năng biểu hiện nghệ thuật của sơn mài Việt Nam.
Khi dường như mọi con đường đã được khai mở, không một sự chứng minh nào được mưu cầu, liệu đâu sẽ là động lực cách tân tiếp theo cho thế hệ trẻ đương đại?
“Giũa: Phong sắc” không phải là câu trả lời, mà là không gian vật lý và phi vật lý được tạo ra để tìm kiếm câu trả lời, với thái độ lạc quan về tương lai. Người tham gia triển lãm được mời gọi tiếp xúc với sơn mài bằng nhiều cách khác nhau: Quan sát trưng bày tranh của những người không chuyên, nghe giới thiệu về chất liệu và kỹ thuật sơn mài, trực tiếp trải nghiệm những kỹ thuật đó. Những phản ứng thu thập được sẽ chính là tín hiệu và tiền đề mở rộng cho những thảo luận, sáng tạo về sau” - Họa sĩ Phạm Khắc Thắng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/keo-nguoi-tre-den-voi-son-mai-truyen-thong-post674403.html