'Kéo' núi gần hơn với biển

Dốc Bàn Me trên tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân đã được hạ độ cao. Ảnh: HOÀI NAM

Những ngày này, công nhân đang đổ bê tông đoạn cuối tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (ĐT644). Đây là một trong những dự án lớn được cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh quan tâm đầu tư, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tránh trú bão. Đồng thời, tuyến đường còn “kéo” xã miền núi về gần với biển.

Hạ dốc Bàn Me

Xuất phát từ cầu Dần, TX Sông Cầu (điểm giao quốc lộ 1 cũ với tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân), đi ngược lên hướng tây qua trung tâm xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu), rồi đến dốc Bàn Me (nằm trên tuyến đường). Trên đỉnh dốc Bàn Me, núi đá được đào sâu để hạ độ cao của dốc nhằm tạo thuận lợi cho các phương tiện qua lại. Ông Trần Văn Long, nông dân ở xã Xuân Lâm làm rẫy ở đây cho hay: Trước đây, dốc Bàn Me dựng đứng, từ phía huyện Đồng Xuân qua, hay phía TX Sông Cầu lên đều tức rực (dốc cao đứng, không có độ lài), xe gắn máy phải ghì số 1 mới có thể qua được con dốc này. Khi làm đường thì xe múc moi đất đá, hạ độ cao của dốc, xe máy trả về số 3 đi rất thong thả.

Ông Bùi Văn Tính cũng ở xã Xuân Lâm chia sẻ: Tuyến đường này hiểm trở nhất là dốc Bàn Me, vì hai bên dốc núi cao. Địa hình ở đây vào mùa mưa thường hay bị sạt lở, đất đá lấp đường, gây ách tắc giao thông. Còn bây giờ đường này được Nhà nước đầu tư nâng cấp, hai bên đường xây taluy chống sạt lở nên mùa mưa không lo sạt lở nữa. Mấy năm trước, quốc lộ 1 từ TX Sông Cầu vào huyện Tuy An, mùa mưa bão kéo dài “trôi” dốc Vườn Xoài (thuộc địa phận xã An Dân) và ngập đoạn qua xã An Cư, gây ách tắc giao thông. Nay tuyến đường ĐT644 được nâng cấp, xe từ ngoài Bắc vào bẻ lái lên huyện Đồng Xuân chạy theo quốc lộ 19C, tiếp tục hành trình lên Tây Nguyên hoặc vào các tỉnh phía Nam đều thuận lợi.

Dốc Bàn Me nằm trong dự án Đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân. Dốc này có độ cao từ 20-30%, nhà thầu phải hạ độ dốc xuống còn 9%. Về quy mô đầu tư, tuyến chính dài 31km từ Km0 (giao quốc lộ 1 cũ tại cầu Dần, TX Sông Cầu) đến Km31 (giao với quốc lộ 19C thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Dự án được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 2272, ngày 31/12/2008. Giai đoạn 1 của dự án đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016 (mở rộng đường đổ đất cấp phối), đến nay tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, đổ bê tông mặt đường, xây dựng cống thoát nước và một số hạng mục khác.

“Kéo” xã miền núi về gần với biển

Đa Lộc là xã đặc biệt khó khăn, lâu nay người dân hưởng lợi từ Chương trình 134, 135, đầu tư cho vùng miền núi. Trước đây, muốn mua hàng hóa, người dân trong xã thường xuống thị trấn La Hai rồi vô Tuy Hòa trên chặng đường dài gần 80 cây số. Đây là tuyến độc đạo mà người dân miền núi này đi lại. Ông Nguyễn Văn Hảo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đa Lộc, nhớ lại: Sáng, xe đò chạy từ Đa Lộc vô Tuy Hòa rồi chiều tối về, vì vậy người buôn bán ở đây, sáng vô chợ Tuy Hòa mua cá rồi ướp muối để không bị ươn, trưa chở lên bến xe, về lại đến xã là chiều tối. Còn nay, đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân thông thoáng, cá tôm từ TX Sông Cầu chở lên đây tươi rói. Mua cua ghẹ ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) chở xe máy về đây vẫn còn sống, tươi ngon.

Xã Đa Lộc trước đây có 6 thôn, gần đây nhập lại còn 5 thôn. Hiện nay, thôn 5 của xã này giáp ranh với thôn Bình Tây, xã Xuân Lâm. Thôn Bình Tây cách trung tâm xã Xuân Lâm gần 20 cây số, từ thôn xuống trung tâm xã đi qua 15 cây số đường rừng núi, không có xóm nhà nên người dân ở thôn này đi chợ hoặc mua bán nông sản thường qua chợ Đa Lộc. Ông Phan Văn Tình ở thôn Bình Tây cho biết: “Dân ở đây thuộc xã Xuân Lâm nhưng làm hàng xóm với xã Đa Lộc. Đầu những năm 2000, từ đây xuống trung tâm xã rất khó khăn, xe máy ôm cua trong rừng núi âm u, “bò” gần cả tiếng đồng hồ mới xuống đến xóm nhà ở trung tâm xã. Còn nay đường mở rộng, dốc hạ độ cao nên đi chưa được 30 phút là đến nơi”.

Ông Trương Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân đang đổ bê tông đoạn còn lại gần 100m, qua thôn 5 của xã. Đây là một trong những dự án lớn của tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tránh trú bão cho ngư dân vùng ven biển trong mùa mưa bão và đảm bảo đi lại thuận lợi cho nhân dân trong vùng.

Dự án Đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (ĐT644) giai đoạn 2 đang triển khai, nhằm hoàn thiện hệ thống mặt đường với quy mô phù hợp, đầu tư một số rãnh thoát nước xung yếu, một số vị trí mái taluy có khả năng sạt lở cao và một số hạng mục khác, đảm bảo độ bền của công trình và phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Dự kiến công trình sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Cao Đình Huy, Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/237036/-keo--nui-gan-hon-voi-bien.html