Kết cục được báo trước
Nga và Ukraine trở lại ngồi đối diện với nhau chỉ để thể hiện thiện chí đàm phán và đều nhằm tranh thủ Mỹ
Sau hơn 3 năm, Nga và Ukraine lại đàm phán trực tiếp về giải pháp giúp chấm dứt xung đột. Vòng đàm phán đầu tiên kéo dài chỉ có 90 phút trong ngày 16-5, với kết quả cụ thể duy nhất là thỏa thuận trao đổi gần 1.000 tù binh - số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Phía Nga tỏ ra hài lòng về diễn biến và kết quả, cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán. Phía Ukraine thì bực bội, cáo buộc Nga chỉ diễn kịch chứ không thiện chí đàm phán và còn đưa ra những điều kiện hoàn toàn mới.
Những đồng minh của Ukraine ở châu Âu lập tức lên tiếng đổ hết trách nhiệm cho Nga. Phía Mỹ thể hiện không bị bất ngờ.
Trước vòng đàm phán này, đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiên đoán kết cục không lạc quan. Ông quả quyết rằng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine sẽ không đi đến đâu chừng nào ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa gặp mặt trực tiếp.
Kết cục như trên của vòng đàm phán Nga - Ukraine đã được dự đoán. Quan điểm của hai bên không những chỉ khác biệt nhau rất cơ bản và mang tính nguyên tắc mà trên thực tế còn hoàn toàn trái ngược nhau.
Các đồng minh của Ukraine ở châu Âu lại sử dụng chiêu thức ra tối hậu thư cho Nga, dọa gia tăng trừng phạt Nga thay vì khích lệ Moscow đi vào đàm phán hòa bình trực tiếp với Kiev.

Hai phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-5 Ảnh: AP
TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ xem ra không phải là địa điểm mang lại điềm tốt lành cho đàm phán giữa Nga và Ukraine. Cách đây gần 3 năm, hai bên đã đàm phán trực tiếp với nhau ở đây nhưng rồi thất bại. Sau đó, hai bên cũng thương lượng về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhưng sau đó không được thực thi trên thực tế.
Trên danh nghĩa, Nga và Ukraine chấp nhận tái đàm phán trực tiếp với nhau mà không gắn với điều kiện tiên quyết nào của cả hai phía. Vòng đàm phán đầu tiên không đạt được kết quả quan trọng đáng kể nào bởi hai phía không thể thỏa hiệp được với nhau về những điều kiện tiên quyết ấy.
Từ đó có thể thấy cả hai phía đến Istanbul trong nhận thức rằng vòng đàm phán này chỉ hữu danh vô thực vì chưa bên nào thật sự sẵn sàng nhượng bộ bên kia. Họ trở lại ngồi đối diện với nhau chỉ để thể hiện thiện chí đàm phán hòa bình cho thế giới bên ngoài thấy và đều nhằm tranh thủ Mỹ vì ông Donald Trump rất muốn chấm dứt cuộc xung đột này.
Ukraine cần tranh thủ Mỹ vì ý thức rất rõ rằng chỉ Mỹ - chứ không phải Liên minh châu Âu (EU) hay NATO, càng không phải bộ tứ Anh, Pháp, Đức, Ba Lan - đủ sức răn đe buộc Nga phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết của Ukraine và chấp nhận lộ trình đàm phán hòa bình do nước này đưa ra.
Nga cũng dùng việc chấp nhận đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine để tranh thủ Mỹ và phân rẽ Mỹ với Ukraine và với các đồng minh của Kiev ở châu Âu. Moscow vừa khích lệ vừa buộc ông Donald Trump phải dùng quan hệ giữa Mỹ và Nga làm chìa khóa và kênh đàm phán quyết định nhất nhằm đạt được giải pháp chính trị chấm dứt xung đột.
Vì thế nên Tổng thống Putin sẽ không đàm phán trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Kết cục tuy không ngoài dự đoán nhưng việc hai bên nối lại đàm phán vẫn có tác động tích cực nhất định.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ket-cuc-duoc-bao-truoc-196250517205546195.htm