Kẹt giữa Mỹ - Trung Quốc, Úc tìm cách né cảnh 'hai làn đạn'

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng việc theo đuổi lợi ích quốc gia của nước này trên trường quốc tế đã bị hiểu sai là đứng về phía Mỹ hơn Trung Quốc, khẳng định chính phủ của ông sẽ không phải chọn giữa hai siêu cường.

Trong những nỗ lực mới nhằm làm tan băng mối quan hệ băng giá giữa Canberra và Bắc Kinh, Thủ tướng Morrison đã sử dụng bài phát biểu trước tổ chức Policy Exchange (Anh) vào tối 23-11 để tuyên bố thách thức địa chính trị quan trọng nhất trong tương lai sẽ là đối phó với sự phức tạp của căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.

Ông Morrison cho rằng thật sai lầm khi mô tả cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh như một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Ông Morrison cho biết các mối quan hệ của Úc trở nên phức tạp hơn vì các hành động của Canberra như nhắm vào các nhà báo Trung Quốc và hủy visa du học, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, cấm Huawei tham gia vào quá trình xây dựng mạng 5G từ năm 2018 và chặn 10 thương vụ đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.

Thủ tướng Morrison đã sử dụng bài phát biểu trước tổ chức Policy Exchange vào tối 23-11 để tuyên bố thách thức địa chính trị quan trọng nhất trong tương lai của Úc. Ảnh: SMH

Thủ tướng Morrison đã sử dụng bài phát biểu trước tổ chức Policy Exchange vào tối 23-11 để tuyên bố thách thức địa chính trị quan trọng nhất trong tương lai của Úc. Ảnh: SMH

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc liên tục leo thang. Trong động thái được cho là nhằm trả đũa, một số tờ báo chuyên về kinh tế dẫn lời các nguồn tin tiết lộ chính quyền Trung Quốc "thông báo bằng miệng" cho các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu họ ngừng nhập khẩu than Úc. Bắc Kinh quyết định dừng nhập khẩu nhiều mặt hàng gồm rượu vang, quặng đồng, lúa mạch, đường, gỗ và tôm hùm của Úc từ đầu tháng 11. Động thái này có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Úc thiệt hại đến gần 4,3 tỉ USD trong năm nay.

Ông Morrison lưu ý: "Hành động của chúng tôi bị một số người nhìn nhận và giải thích sai lầm chỉ qua lăng kính cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Dường như Úc không có lợi ích hoặc quan điểm riêng như một quốc gia độc lập có chủ quyền. Điều này là sai lầm và làm xấu đi các mối quan hệ một cách không cần thiết".

Theo tờ The Sydney Morning Herald, bình luận của ông sẽ được coi là sự thay đổi hoàn toàn trước cuộc chiến thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh và những lời lẽ gay gắt vốn bị Trung Quốc coi là một nỗ lực để kìm hãm sự phát triển kinh tế của họ. "Chúng tôi chưa từng ở trong phe kiềm chế kinh tế Trung Quốc" - ông Morrison nói.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, năm 2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, năm 2019. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Morrison nói rằng Úc mong muốn có một "mối quan hệ cởi mở, minh bạch và cùng có lợi" với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này và cùng quan tâm đến sự phát triển và lợi ích trong khu vực. Tương tự như vậy, chúng tôi cam kết duy trì mối quan hệ đồng minh lâu dài với Mỹ".

Ông Morrison thừa nhận theo đuổi những lợi ích này trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc không hề đơn giản. Giống như các quốc gia có chủ quyền khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ưu tiên của chúng tôi là không bị buộc phải đưa ra lựa chọn".

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc từng cáo buộc Úc là "cấp phó" của Mỹ. Do đó có thể thấy bài phát biểu của ông Morrison không phải là lần đầu trong năm nay Canberra tạo ra sự tách bạch với Mỹ trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh. Vào tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne từ chối lặp lại lời lẽ cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đối với Bắc Kinh.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ket-giua-my-trung-quoc-uc-tim-cach-ne-canh-hai-lan-dan-20201124090749231.htm