Kết hôn sớm hay muộn tốt hơn, độ tuổi nào là tốt nhất?

Có nhiều lí do khiến nhiều người lựa chọn việc kết hôn muộn. Mặc dù, việc kết hôn muộn gây ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của các cặp đôi nhưng cũng mang lại những lợi ích nhất định.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 56% thế hệ Millennials, những người sinh từ 1980 – 2000, hiện chưa kết hôn.

Điều này trái ngược hoàn toàn với các thế hệ trước khi mà nhiều người thậm chí đã có ba đứa con ở độ tuổi 30. Tệ hơn nữa, Gen Z, những người sinh từ năm 1997-2012, thậm chí còn không muốn kết hôn, theo một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Ashley Madison, một dịch vụ mạng xã hội và dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Canada.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù những phát hiện kể trên có vẻ đáng báo động đối với nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này nhưng liệu việc kết hôn muộn có thực sự là điều tồi tệ?

Một điều phải khẳng định rằng, việc kết hôn muộn ở độ tuổi 30 trở đi sẽ ảnh hưởng không ít đến khả năng sinh sản của các cặp đôi. Điều này cũng là nguyên nhân tác động đến vấn đề dân số tại các quốc gia.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tâm lý, việc kết hôn muộn cũng đem tới những lợi ích nhất định.

Trưởng thành về mặt cảm xúc và tinh thần

Khi cha mẹ và người lớn tuổi xung quanh chúng ta chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hôn nhân của họ, một thông điệp mà họ thường truyền tải là “hôn nhân đi kèm với những vấn đề”.

Điều đó đúng vì dù kết hôn ở độ tuổi nào, mỗi người cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh giữa mình và bạn đời.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề bắt nguồn từ những tổn thương chưa được giải quyết và sự mất niềm tin mà chúng ta đã mang theo từ khi còn nhỏ. Vì vậy, khi đủ trưởng thành về cả nhận thức và cảm xúc, việc giải quyết các vấn đề dường như dễ dàng và bình tĩnh hơn.

Một ví dụ thường thấy, ở độ tuổi 20, nhiều người sẽ dễ bị kích động nếu đối phương đến muộn trong cuộc hẹn. Ở độ tuổi lớn hơn, chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu nhưng có xu hướng dễ tha thứ hơn vì mọi người hiểu rằng không phải ai cũng làm việc theo cơ cấu có thời hạn và định hướng theo nhiệm vụ.

Sự nhạy bén trong nghề nghiệp

Ở thế hệ trước, rất nhiều bậc cha mẹ đã đạt được sự ổn định trong nghề nghiệp khi bước sang tuổi 30. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với phần lớn thế hệ trẻ hiện nay bởi cá tính, sự ưa thích thay đổi và sự vận hành thay đổi bất ngờ, không ngừng của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, những người trưởng thành có kỹ năng tốt hơn và trải nghiệm đa dạng hơn so với độ tuổi 20. Khi còn trẻ, chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng công việc và đời sống cá nhân vì quá tập trung vào việc thăng tiến trong sự nghiệp.

Ở độ tuổi 30, chúng ta đã biết cách làm cho công việc phù hợp với cuộc sống thay vì biến nó thành cuộc sống của mình.

Về mặt tài chính, những người ở độ tuổi 30 sẽ có xác suất tiết kiệm nhiều hơn và đảm bảo đầu tư cao hơn. Vì lý do này, sự nghiệp không còn là trọng tâm của chúng ta nữa.

Một số thế hệ Millennials thậm chí còn nghỉ làm giữa các công việc để tập trung vào gia đình và sức khỏe tinh thần. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có đủ tiền tiết kiệm hoặc có hệ thống hỗ trợ giúp duy trì cuộc sống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trưởng thành về niềm tin

Khi còn là nhỏ, chúng ta thường hành động theo hướng dẫn hoặc học theo những người xung quanh và tin những điều đó là đúng. Bước vào độ tuổi 20, chúng ta có xu hướng khám phá, thử thách chính mình nhưng vẫn dễ bị lung lay bởi ý kiến của những người xung quanh.

Ở độ tuổi 30, niềm tin của chúng ta không còn dễ dàng bị lung lay nữa. Điều này có nghĩa là vào cuối độ tuổi 30, rất có thể chúng ta sẽ tìm được một người bạn đời có cùng quan điểm với mình.

Khả năng ly hôn thấp

Theo một nghiên cứu về vấn đề ly hôn được đăng trên trang Big Think, trì hoãn hôn nhân đến khi 32 tuổi sẽ làm giảm khả năng ly hôn. Thống kê cho thấy, nếu kết hôn muộn so với độ tuổi kết hôn trung bình thì cứ mỗi 1 năm muộn hơn tỷ lệ ly hôn sẽ giảm xuống 11%. Điều này được lí giải rằng khi già dặn hơn, suy nghĩ và hành động của mỗi người cũng sẽ trưởng thành theo. Khi đó, các cặp đôi sẽ biết rõ hơn những gì bản thân thật sự muốn từ một cuộc hôn nhân.

Rõ ràng, kết hôn muộn có thể không phải là điều tốt về mặt thể chất nhưng nó cũng có một số lợi ích nhất định. Dù kết hôn sớm hay muộn, cần nhận ra rằng mỗi người đều có một hành trình riêng với nhịp độ riêng của mình.

Không nên so sánh bản thân với những cặp đôi khác với những mục tiêu và tư tưởng khác nhau. Hôn nhân là một cam kết lâu dài và tất cả chúng ta cần kết hôn vì những lý do chính đáng. Thà kết hôn muộn còn hơn kết hôn sớm mà lấy nhầm người.

Phương Anh (Theo inquirer.net)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ket-hon-som-hay-muon-tot-hon-do-tuoi-nao-la-tot-nhat-d200650.html