Kết hôn trước tuổi 30: Không chỉ là chuyện của riêng ai
Vừa qua, Bộ Y tế đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về thực trạng nguy cơ dân số già cũng như khuyến khích công dân Việt Nam kết hôn trước 30 tuổi. Ngay sau đó, trang fanpage của Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng phát đi thông điệp này.
Theo thống kê của Bộ Y tế, các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 con/phụ nữ vào năm 2020.
Với mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số ở nước ta.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với vấn đề "già trước khi giàu" khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn.
Theo thống kê, mức sinh của khu vực thành thị các tỉnh, TP Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, chỉ ở mức 1,48 con.
Đơn cử, tại TP HCM năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.
Có thể chứng minh bằng số liệu của Tổng cục Thống kê VN. Năm 1989, độ tuổi kết hôn trung bình từ 24,4 (nam), 23,2 (nữ) tăng lên 29 (nam) và 24,1 (nữ) vào năm 2022. Tỷ lệ kết hôn cũng giảm, năm 1989, tỷ lệ người trong độ tuổi 20 - 24 đã kết hôn là 37,6% (nam), 57,5% (nữ) thì đến năm 2019 chỉ còn 19,6% và 44,3%. Rồi mức sinh trung bình là 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 đã giảm xuống chỉ còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2006 và kéo dài đến nay.
Việt Nam cũng giống như một số nước, sau khi kinh tế xã hội phát triển đến một mức nhất định, người dân ngại kết hôn và cả ngại sinh con. Điều này đã diễn ra ở các nước phát triển Tây Âu cũng như chính các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong một điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn của thế kỷ trước, người dân thiếu thông tin, hạn chế cơ hội phát triển bản thân và cuộc đời của họ dường như cũng đã được "định hình" sẵn: ngay khi vừa trưởng thành sẽ lập gia đình sinh con. Thậm chí ở một mức độ nào đó kết hôn được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của mỗi cá thể, chiếm 1 trong 3 "sự kiện" lớn nhất của một con người: Làm nhà, cưới vợ và tậu trâu.
Nhưng khi kinh tế xã hội đã phát triển, đặc biệt là sự tác động của công nghệ đến đời sống con người, mỗi cá nhân có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân, họ cũng nhiều lựa chọn hơn chứ không chỉ là việc kết hôn. Tiếp tục học cao hơn, xuất khẩu lao động, du học, phấn đấu cho sự nghiệp… hoặc đơn giản là lựa chọn lối sống tận hưởng tự do của đời sống độc thân.
Tuy nhiên từ lâu khoa học đã chỉ ra độ tuổi phù hợp nhất cả về tâm sinh lý điều kiện thể chất cũng như tinh thần phù hợp nhất để kết hôn, sinh con là dưới 30 tuổi.
Ở mức độ nào đó, việc kết hôn sinh con không chỉ đơn thuần là kế hoạch của một cá nhân. Mỗi cá nhân là một sinh thể xã hội, về cơ bản họ được sinh ra nuôi dưỡng giáo dục được tạo cơ hội phát triển bản thân. Họ không chỉ đơn thuần có trách nhiệm chăm sóc những bậc sinh thành ra mình mà còn có "nghĩa vụ" vĩnh cửu hóa giống loài bằng việc lập gia đình và sinh con. Điều đó không chỉ đảm bảo một tương lai ổn định cho cá nhân, gia đình họ mà xa hơn là cho cả quốc gia.
Điều này sẽ được nhìn nhận một cách rõ nét nhất với các quốc gia có dân số già. Tỷ lệ những người già (đương nhiên sẽ nghỉ hưu) quá cao trên tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động chắc chắn sẽ tạo ra sự mất cân đối, tạo "gánh nặng" cho hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội.
Tại nhiều nước đã đưa ra cảnh báo với công thức 4-2-1. Đó là ở những gia đình chỉ sinh một con, sẽ có 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và một con nhỏ. Đứa trẻ có thể "hạnh phúc" khi nhận được sự quan tâm chăm sóc từ 6 người ở hai thế hệ trước. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa khi đứa trẻ trưởng thành sẽ có tới 6 người ở độ tuổi già cần được chăm sóc.
Với một vài cá nhân, việc họ muộn lập gia đình, thậm chí không lập gia đình không sinh con có thể không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên trên bình diện một bộ phận dân cư, một quốc gia lại là một câu chuyện khác.
Sau khi Việt Nam thoát ra những quan niệm phong kiến, những yêu cầu về điều kiện kinh tế vật chất để chăm sóc nuôi dưỡng những đứa trẻ cũng đã được đặt ra và ngày càng tăng lên theo thời gian. Điều đó đương nhiên tích cực, tuy nhiên nó cũng đặt ra "gánh nặng" cho những người trẻ trong cân nhắc lập gia đình, sinh con.
Tuy nhiên với sự phát triển kinh tế xã hội, tỷ lệ người nghèo đã giảm nhanh chóng trong những năm qua, những chính sách an sinh xã hội như bào hiểm y tế cũng phần nào giúp các gia đình bớt đi gánh nặng trong việc nuôi dạy con.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các nhà chính sách đã tính toán đến phương án thưởng tiền sinh con.
Câu chuyện còn lại là nhận thức, quan niệm của người dân hay nói đúng hơn là người trẻ. Nếu không vướng bận những kế hoạch những công trình quan trọng của đời người, mỗi người trẻ cần suy nghĩ nghiêm túc và có quyết định phù hợp đúng thời điểm trong việc lập gia đình sinh con vì mình và vì cả những người xung quanh cũng như chính cộng đồng…