'Kết hôn' với mạng xã hội, báo chí gặp nhiều rủi ro

Ngày 17/6, Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cùng trang tin Vietnam.vn (Cục Thông tin Đối ngoại) đã tổ chức Hội thảo mang chủ đề 'Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí'.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết, công nghệ dẫn dắt báo chí là câu nói phổ biến trong công cuộc chuyển đổi số. Nhưng quan trọng hơn, công nghệ còn thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí. Nhận định này từng được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới WAN-IFRA nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các báo cáo thường niên, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch.

Trong báo cáo xu hướng 2024, WAN-IFRA cho biết, các nhà xuất bản tin tức toàn cầu mong đợi 20% tổng doanh thu của họ sẽ đến từ các nguồn thu mới, bên cạnh hai nguồn thu truyền thống là quảng cáo và lợi nhuận từ độc giả. Cụ thể, các mô hình kinh doanh mới dành cho báo chí được nhắc tới là tổ chức sự kiện, gọi vốn đầu tư, đối tác của các nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết hay kinh doanh dữ liệu…

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Còn theo khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay được Hội Nhà báo Việt Nam công bố nhân dịp Hội báo Xuân 2024, 3 nguồn thu chính của các cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn là các mô hình truyền thống, bao gồm: quảng cáo trên báo in, ngân sách nhà nước, hợp đồng truyền thông...Còn lại, những nguồn thu mà báo chí thế giới đang đẩy mạnh thì vẫn chưa được nhiều tòa soạn ở Việt Nam triển khai, doanh thu còn khá thấp, thậm chí thu phí đọc báo điện tử chưa đạt như kỳ vọng.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) phát biểu tại hội thảo

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, hầu hết các nguồn thu mới được WAN-IFRA liệt kê đều là hiệu ứng của chuyển đổi số. Hay nói cách khác, chuyển đổi số đã giúp nhiều cơ quan báo chí khai phá được những vùng đất mới, có thể chưa màu mỡ như mong đợi, nhưng cho thấy thực sự có tiềm năng. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến 2025, tầm nhìn 2030 được chính phủ ban hành năm ngoái cũng đã mở lối cho các tòa soạn với định hướng giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu bằng việc chuyển sang những mô hình kinh doanh mới theo hướng báo chí số.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho rằng, báo chí đã mắc một sai lầm không thể cứu vãn trong thời gian qua khi đưa toàn bộ nội dung lên mạng xã hội khiến người dùng có thói quen cứ lên mạng là sẽ có thông tin.

Lâu nay các cơ quan báo chí dựa vào Facebook và một số nền tảng với hy vọng kiếm được nguồn truy cập. Thế nhưng với những báo cáo từ đầu năm đến nay thì việc “kết hôn” với mạng xã hội mang lại đầy những rủi ro. Facebook liên tục thay đổi những chính sách, hay Tiktok cũng có mức độ tăng trưởng rất nhanh, Youtube cũng có những mức độ tăng trưởng nhất định,…cho thấy rằng báo chí đã, đang gặp những thách thức nhất định.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân

“Từ năm 2012 chúng tôi bắt đầu đề cập về vấn đề thu phí trên báo điện tử, nhiều người khi đó mỉa mai và nói rằng là báo chí thế này thì ai trả tiền. Đương nhiên nếu nội dung không hay, sẽ không có công chúng trả phí. Nhưng chỉ nhìn thấy câu chuyện thu phí và lảng đi mà không biết rằng thu phí là một trong những vấn đề đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, thu phí với báo chí hiện nay cũng gặp rất nhiều thách thức.

Theo một khảo sát mới nhất thì 55% người được khảo sát không bao giờ trả một đồng nào để đọc báo online, hoặc nếu có thì 20 - 30 % - một tỉ lệ rất nhỏ dám chấp nhận bỏ chi phí từ 10 20 USD/tháng cho việc đọc báo. Cũng xin lưu ý rằng, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế trở nên khó khăn, rất nhiều người cắt giảm chi tiêu, kể cả những khoản chi tiêu liên quan đến báo chí. Mặc dù họ có thể trả tiền cho các khoản thu khác nhưng tâm lý người đọc trả tiền để đọc báo điện tử vẫn là một cản trở rất lớn”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tâm lý né tránh tin tức ngày càng lan rộng. Tuy số người rút “phích cắm” né tránh tin tức đang là thiểu số nhưng đây là một điều đáng lo ngại với người làm báo. Họ không muốn đọc tin tức không phải vì tin tức nhàm chán, mà vì mở tin tức ra là những điều tiêu cực, nhưng thứ khiến cho tâm trạng họ không vui, nào là chiến tranh, bệnh dịch… Đây cũng là một tâm lý rất đáng lo ngại khiến nhiều người không muốn cập nhật tin tức thời sự liên tục. Các cơ quan báo chí sẽ gặp cản trở từ chính những điều này, nhất là trong bối cảnh muốn tiếp cận nhiều người dùng để tăng nguồn thu.

“Điều chúng tôi đang lo ngại là hiện nay nhiều cơ quan báo chí đang loay hoay với việc tìm kiếm nguồn thu, báo in đã sụt giảm thì quy sang tìm kiếm nguồn thu trên báo điện tử. Để có được quảng cáo trên báo điện tử không có cách nào khác ngoài việc thu hút lượng truy cập. Điều này rất dễ làm cho nội dung báo điện tử trở nên rẻ rúng, bởi thực tế, nhiều khi công chúng lại không đọc những nội dung hay mà lại bị thu hút bởi những tin sốc, từ đó có nguy cơ biến tờ báo trở thành nơi có những nội dung không chất lượng”, nhà báo Lê Quốc Minh lo ngại.

Từ những khó khăn nêu trên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn có nhiều nguồn thu, mỗi cơ quan báo chí đảm bảo từ 3-4 nguồn thu, trong đó nguồn thu từ độc giả là quan trọng. Để có được nguồn thu từ độc giả trước tiên cần phải giữ được dữ liệu, thông tin từ độc giả, càng nhiều càng tốt, tiếp tục dựa vào mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng cần đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động khác như tổ chức sự kiện, liên kết tiếp thị...

Bên lề hội thảo, các đại biểu cũng có dịp trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hay công nghệ GenAI thông qua loa thông minh sử dụng trở lý ảo Maika điều khiển bằng giọng nói của VietnamPlus.

Đây là những sản phẩm công nghệ giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng của tin tức đa phương tiện, làm cầu nối cho các ý tưởng nhằm đa dạng hóa nguồn thu…

Nguyễn Trang-CTV Linh Thương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ket-hon-voi-mang-xa-hoi-bao-chi-gap-nhieu-rui-ro-post1102315.vov