Truyền thông số và thương mại quốc tế

Đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khía cạnh của kinh doanh, thương mại và công nghiệp, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet trong thập kỷ qua đã góp phần giúp nền kinh tế, đặc biệt là thương mại quốc tế, mở rộng nhanh chóng.

Nữ ca sĩ Jisoo của nhóm nhạc Blackpink trong khuôn khổ sự kiện Paris Fashion Week 2024. Ảnh: AP

Nữ ca sĩ Jisoo của nhóm nhạc Blackpink trong khuôn khổ sự kiện Paris Fashion Week 2024. Ảnh: AP

Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế trong vài thập kỷ qua diễn ra mạnh mẽ và đi đôi với sự tăng trưởng thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại điện tử toàn cầu. Sự phát triển tích cực này được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng liên tục của công nghệ thông tin và truyền thông.

Thường được coi là yếu tố phá vỡ các mô hình kinh doanh truyền thống và khuếch đại thương mại quốc tế, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số giúp cải thiện triển vọng thị trường toàn cầu cho ngày càng nhiều công ty và mang lại cho các công ty này những cơ hội mới.

Các lợi ích truyền thông số mang lại cho thương mại

Theo nghiên cứu “Social Media for Internationalisation” của Ủy ban châu Âu công bố tháng 1/2024, nền tảng truyền thông xã hội cho phép các công ty cải thiện sự hiện diện trên thị trường quốc tế và tiếp cận khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới.

Cụ thể, các công ty có thể thực hiện nhiều chức năng kinh doanh khác nhau thông qua phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm tiếp thị thông qua các hình thức như quảng cáo hay hợp tác với những người có ảnh hưởng, nghiên cứu thị trường và bán lẻ trực tuyến.

Lợi ích chính của các chiến lược truyền thông xã hội bao gồm khả năng nhãn hiệu được tiếp xúc với người tiêu dùng cao, chi phí liên quan tương đối thấp, khả năng phân khúc và nhắm mục tiêu khách hàng cụ thể cũng như hiểu biết sâu sắc về thị trường có thể thu được từ việc phân tích hành vi trực tuyến của người tiêu dùng và tương tác với họ thông qua mạng xã hội.

Ví dụ, công ty bán nội thất IKEA đã sử dụng mạng xã hội để xâm nhập vào một thị trường cụ thể nào đó, trong khi công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc cá nhân Dollar Shave Club lại tận dụng các nền tảng phổ biến để ra mắt công ty của mình và cung cấp dịch vụ tương ứng cho toàn bộ cộng đồng trực tuyến, với chi phí thấp hơn đáng kể so với các công cụ tiếp thị thông thường.

Thông qua hình thức hợp tác với người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các nhãn hàng cũng có thể thu hút được sự quan tâm khổng lồ từ công chúng, được thể hiện ở Giá trị Truyền thông Kiếm được (EMV). EMV là một số liệu được sử dụng để tính toán giá trị và số tiền mà một thương hiệu đạt được có được thông qua các nỗ lực quảng cáo không được trả tiền quảng cáo.

Ví dụ trong khuôn khổ Paris Fashion Week 2024 hồi tháng 3 vừa qua, sự xuất hiện của nữ ca sĩ Jisoo thuộc nhóm nhạc đình đám Blackpink đã giúp Dior thu được tới 11,6 triệu USD giá trị EMV thông qua nền tảng Instagram. Trong khi đó, sự góp mặt của nữ diễn viên Trung Quốc Dương Mịch trong khuôn khổ sự kiện này giúp thương hiệu Loewe thu hút tới 1,98 triệu USD EMV thông qua nền tảng mạng xã hội Weibo.

Trong khi đó theo báo cáo chung “Thương mại kỹ thuật số vì sự phát triển” công bố năm 2023 của IMF, OECD, UN, WB Group và WTO, việc cải thiện kết nối kỹ thuật số còn giúp làm giảm chi phí thương mại quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, các công nghệ kỹ thuật số cho phép giao tiếp theo thời gian thực, đơn giản hóa các giao dịch xuyên biên giới và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường bằng cách mang lại hiệu quả, tính minh bạch và khả năng tùy chỉnh cao hơn.

Hơn nữa, việc chi phí tìm kiếm, truyền tải, lưu trữ và chia sẻ thông tin thấp hơn có thể ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến cả quyết định tham gia thương mại quốc tế và tăng xuất khẩu và nhập khẩu của một công ty.

Tác động của công nghệ kỹ thuật số trong việc giảm chi phí thương mại đã tăng lên theo thời gian. Nghiên cứu của OECD cho thấy vào năm 2018, tác động của việc tăng tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet đối với chi phí thương mại quốc tế cao gấp 3 lần so với năm 1995.

Trong khi đó, một nghiên cứu của WTO cho thấy thuê bao băng thông rộng di động bình quân đầu người tăng 10% có thể dẫn tới chi phí thương mại thấp hơn khoảng 1% cả về hàng hóa và dịch vụ. Hiệu ứng này đặc biệt mạnh mẽ đối với thương mại các dịch vụ có thể cung cấp bằng kỹ thuật số, chẳng hạn như dịch vụ kinh doanh và chuyên nghiệp.

Có một số kênh mà các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể có tác động tích cực đến thương mại. Ví dụ, các phương tiện này đóng một vai trò quan trọng trong sự phân mảnh ngày càng tăng về mặt địa lý của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) do sự di dời công nghiệp và sự phân chia quy trình sản xuất quốc tế. Bằng cách sử dụng các nền tảng truyền thông, các công ty có thể trao đổi thông tin trực tuyến hiệu quả hơn từ khoảng cách xa, cả trong một quốc gia và trên phạm vi quốc tế, liên lạc kịp thời với cả khách hàng và nhà cung cấp tiềm năng, từ đó cung cấp dịch vụ hiệu quả và nhanh chóng.

Hơn nữa, nhờ gia công và thuê ngoài, các dịch vụ này còn có thể được cung cấp bởi các công ty hiện đang hưởng lợi từ động lực cạnh tranh diễn ra trong thời đại kỹ thuật số. Điều này dẫn tới một mức giá trực tuyến thấp hơn so với giá được cung cấp bởi các kênh phân phối truyền thống.

Do đó, các phương tiện truyền thông số không chỉ là phương tiện cung cấp dịch vụ mà sự phát triển của chúng còn có thể có tác động tích cực đến dòng chảy thương mại. Việc tiếp cận các nền tảng này, sử dụng rộng rãi và ứng dụng quy mô lớn của chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ dựa trên công nghệ thông tin và do đó dẫn dắt các công ty tham gia vào thương mại quốc tế để hưởng lợi từ những lợi thế cạnh tranh trên.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/truyen-thong-so-va-thuong-mai-quoc-te-post36047.html