Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Binh đoàn 15-Những cách làm sáng tạo, hiệu quả-Bài 1: Mô hình hạ tầng lưỡng dụng
LTS: Quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ theo phương châm 'tỉnh giữ tỉnh, huyện giữ huyện, xã giữ xã', Binh đoàn 15 đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh vùng Bắc Tây Nguyên (gồm hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum) vững chắc.
Thực hiện nhiệm vụ chủ yếu trên địa bàn biên giới gồm hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum với hơn 250km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, Campuchia, những năm qua, Binh đoàn 15 chủ trương “phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đến đó”, cùng với địa phương tạo lập thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc.
Hạ tầng lưỡng dụng
Được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương và Binh đoàn 15, chúng tôi đã tìm hiểu tuyến đường giao thông nông thôn từ Cụm dân cư số 1 đến Cụm dân cư số 3 (Công ty 715, Binh đoàn 15) thuộc địa phận hai xã Ia Khai, Ia Krai (huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Đây là tuyến đường được Binh đoàn 15 đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng từ năm 2021, góp phần làm thay đổi diện mạo các cụm, điểm dân cư, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Theo lãnh đạo và người dân địa phương, tuyến đường này có vị trí đặc biệt quan trọng trong kết nối Tỉnh lộ 664 với các làng đồng bào DTTS của huyện Ia Grai. Nó không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân đi lại dễ dàng mà còn được ví như mạch máu để phát triển kinh tế-xã hội cả vùng.
Anh Ksor Phyŭn, ở làng Tung Chrúc, xã Ia Khai, vui vẻ nói với mọi người: “Trước đây, con đường này là nỗi ám ảnh của bà con ở các làng DTTS trong vùng và người dân nơi đây. Mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô thì bụi đỏ mù mịt; không có việc quan trọng thì không ai muốn đi. Từ ngày được Binh đoàn 15 xây dựng tuyến đường này, bà con phấn khởi lắm, mùa về chở cà phê, chở lúa, chở mì đều rất thuận lợi. Người không may đau ốm phải đi cấp cứu cũng nhanh hơn, an toàn hơn trước rất nhiều”. Ông Rơ Lan Đích, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn làng Tung Chrúc, khẳng định: “Tuyến đường này chỉ dài hơn 7km nhưng đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn”.
Tại các huyện: Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi (Kon Tum), các đơn vị Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (KT-QP 78), Công ty 732, Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) đã đầu tư xây dựng, sửa chữa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, giao thông nội vùng; xây dựng hàng chục cây cầu bê tông, cầu gỗ; các công trình phục vụ dân sinh như: Điện thắp sáng, hệ thống nước sạch, bể nước ngầm, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng... với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, bảo đảm cho nhân dân, người lao động có cuộc sống ổn định, tiện lợi ở vùng biên giới xa xôi.
Đồng chí Trịnh Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai phấn khởi nói, xã Ia Đal đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 là nhờ có sự đóng góp quan trọng, hiệu quả của Chi nhánh 716 trong xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng do Chi nhánh 716 xây dựng có tính lưỡng dụng rất cao, vừa bảo đảm sản xuất, dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giúp địa phương xây dựng thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc.
Cột mốc sống ở biên cương
Quá trình phát triển sản xuất, Binh đoàn 15 đã phối hợp với địa phương xây dựng 264 cụm, điểm dân cư tập trung, góp phần hình thành nhiều thôn, làng và huyện mới trên tuyến biên giới Gia Lai, Kon Tum. Đặc biệt, các cụm, điểm dân cư của Binh đoàn 15 như những pháo đài, ở đó mỗi người dân là một cột mốc sống.
Anh Cao Quang Thuận, công nhân Đội 6 (Công ty 72, Binh đoàn 15) có hơn 20 năm lao động, sản xuất ở sát đường biên giới xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Hằng tháng, anh đều dành thời gian cùng với đơn vị phát quang đường biên, cột mốc; theo dõi, nắm bắt các vấn đề, chi tiết khác thường ở khu vực đường biên báo cáo với đơn vị, lực lượng chức năng xử lý. Theo anh Thuận, dọc tuyến biên giới dài hơn 35km Đội 6 đứng chân ngày cũng như đêm luôn được thắp sáng bởi những ánh mắt, ánh đèn pin của công nhân khai thác mủ cao su Công ty 72.
Ở thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, anh Phạm Văn Đại, công nhân Đội 10 (Chi nhánh 716) là thành viên Tổ tự quản cột mốc 17.1 từ nhiều năm nay. Anh Đại cho biết, tổ tự quản đường biên, cột mốc đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. \Bên cạnh lao động, sản xuất ngay gần đường biên, cột mốc, mọi vấn đề nảy sinh đều được các thành viên quan sát, phát hiện, báo cáo kịp thời với Bộ đội Biên phòng, chính quyền và lực lượng chức năng. Tổ tự quản còn thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng phát quang, tuần tra, kiểm tra cột mốc.
Cùng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị: Công ty 72, 74, 715, 732, Bình Dương, Chi nhánh 716, Đoàn KT-QP 78, Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) những năm qua thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ; tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.
Thiếu tá Dương Kim Tuấn, Giám đốc Chi nhánh 716 cho rằng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cũng như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phải dựa vào người lao động của đơn vị và nhân dân. Hiện nay, Chi nhánh 716 có hơn 1.000 công nhân lao động, sản xuất trên tuyến biên giới dài 52km thuộc xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai.
(còn nữa)