Kẹt lại Sapa, khách Tây giúp người Việt chuẩn bị cơm cứu trợ

Trong thời gian kẹt lại Sapa do mưa lũ, các vị khách Tây Ban Nha, New Zealand góp sức cùng bếp ăn địa phương chuẩn bị những suất cơm cứu trợ bà con vùng bị cô lập.

 Chị Huyền (trái) và vị khách giúp chuẩn bị các suất cơm tiếp tế.

Chị Huyền (trái) và vị khách giúp chuẩn bị các suất cơm tiếp tế.

Trong không gian nhỏ của văn phòng công ty du lịch Ahatrip (Sapa, Lào Cai), Candela (quốc tịch Tây Ban Nha) thoăn thoắt múc cơm, chia từng thìa thịt, miếng đậu vào hộp. Gần đó, Violeta (quốc tịch Tây Ban Nha, bạn Candela) cũng nhanh tay bỏ từng đôi đũa, chai nước vào các túi nhỏ thành từng suất.

Hai ngày qua, Candela, Violeta và 2 vị khách ngoại quốc khác đã cùng các nhân viên công ty du lịch Ahatrip chuẩn bị hàng nghìn suất cơm nóng hổi để tiếp tế cho người dân địa phương bị cô lập do lũ.

Vì thời tiết bất lợi, không thể về lại Hà Nội, 4 cô gái được công ty du lịch cho tá túc miễn phí. Khi thấy các nhân viên tổ chức nấu cơm, các vị khách xung phong xin được góp sức.

"Chúng tôi cảm thấy rất biết ơn khi được góp một phần nhỏ bé giúp đỡ cộng đồng Sapa và người dân miền Bắc Việt Nam. Người Việt Nam thật hào phóng, mạnh mẽ. Tôi rất bất ngờ khi thấy các bạn nhanh chóng tương trợ, đùm bọc nhau trong khó khăn. Tôi cũng tin rằng các bạn sẽ hồi phục nhanh chóng với tinh thần đó", nữ du khách Clare Grace (quốc tịch New Zealand) nói với Tri Thức - Znews.

Sự ấm lòng từ những vị khách quốc tế

Vừa tới Cát Bà du lịch được một ngày, Candela và Violeta phải nhanh chóng rời đi vì siêu bão Yagi đổ bộ. Ngày 8/9, đôi bạn tới Sapa - nơi cả hai không ngờ phải ở lại lâu hơn dự định do ảnh hưởng từ cơn bão.

"Chúng tôi không thể ra ngoài nhiều, xe khách về Hà Nội cũng đã tạm dừng hoạt động do thời tiết bất lợi. Cũng vì thế, chúng tôi lỡ chuyến bay đến Huế", Violeta cho biết.

Trong lúc hoang mang vì gặp sự cố, hai vị khách nhanh chóng cảm thấy an tâm phần nào khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người dân, đơn vị làm du lịch ở Sapa. Mọi người liên tục giúp hai cô gái cập nhật tình hình thời tiết, kết nối với nơi hỗ trợ chỗ nghỉ, ăn uống miễn phí.

"Ban đầu, chúng tôi khá khó chịu khi bị lỡ kế hoạch du lịch song nhanh chóng cảm nhận được sự tử tế, tốt bụng của mọi người nơi đây. Thật buồn khi thấy các bạn phải hứng chịu cơn bão kinh hoàng đến vậy", nữ du khách Tây Ban Nha chia sẻ.

Candela và Violeta giúp bếp chuẩn bị cơm.

Candela và Violeta giúp bếp chuẩn bị cơm.

Ngày 9/9, công ty Ahatrip bắt đầu tổ chức nấu cơm để tiếp tế cho vùng bị cô lập. Thấy vậy, bốn du khách xin được góp công. Vừa hỏi, vừa học theo cách làm của các nhân viên người Việt, 4 cô gái từ bỡ ngỡ cũng dần thao tác nhanh, thuần thục hơn.

Với Clare Grace, những gì cô được trải qua thật đáng kinh ngạc. Cô kể cho gia đình những gì xảy ra ở Sapa cũng như một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, các thành viên trong nhà cô đều gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến người dân dải đất hình chữ S.

"Ngay khi đến Sapa, chúng tôi đã cảm nhận được sự ấm áp của mọi người cũng như trong suốt thời gian ở lại đây. Tôi chỉ biết cầu chúc cho các bạn sớm vượt qua cơn hoạn nạn này", cô nói.

 Hàng nghìn suất cơm đầy đặn, dinh dưỡng được bếp gửi đến bà con bị cô lập trong 2 ngày qua.

Hàng nghìn suất cơm đầy đặn, dinh dưỡng được bếp gửi đến bà con bị cô lập trong 2 ngày qua.

Thương cảm và khâm phục cũng là cảm xúc của Candela: "Mọi người nói với tôi về vẻ đẹp của Sapa nên tôi tới đây, nhưng không may lại rơi đúng vào thời điểm thiên tai này khiến tôi rất sốc. Thật tệ khi mọi người ở đây gặp khó khăn do cơn bão nhưng với tôi, những gì các bạn đang làm cũng là ví dụ tuyệt vời về tình người, sự tương thân tương ái. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của các bạn".

Tối 10/9, khi giao thông bắt đầu được nối lại, 4 vị khách đã trở về Hà Nội, đem theo một trong những trải niệm đáng nhớ nhất cuộc đời.

Lá lành đùm lá rách

Chị Trần Thị Huyền (sinh năm 1995, giám đốc Công ty Ahatrip) cho biết những ngày qua, ở Sapa và một số vùng lân cận vẫn có mưa, nhiều khu dân cư gặp khó khăn do nước lũ dâng.

Từ ngày 9/9, công ty quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh, tổ chức nấu các phần cơm tiếp tế. Mỗi ngày, công ty sẽ nấu dựa trên số suất cơm đăng ký từ các xã lân cận, trung bình 500 suất/ngày. Tất cả chi phí đều do nguồn quỹ của công ty bỏ ra, chỉ nhận quyên góp hiện vật, nguyên liệu nấu từ các nhà hảo tâm chứ không nhận tiền.

Vì chỉ có chưa tới 10 nhân sự, mọi người gần như túc trực suốt ngày đêm ở văn phòng để kịp tiến độ giao cho các nơi. Mỗi ngày, các thành viên bắt đầu chuẩn bị từ 6, 7h, nấu ngay tại văn phòng để kịp giao bữa trưa lúc 10h và bữa tối lúc 15h bởi có nhiều nơi cần giao cách bếp 40, 50 km, đường đi lại khó khăn nên tốn thời gian. Tất cả nồi niêu, đồ bếp đều được huy động.

 Chị Huyền cảm động trước tình cảm của các vị khách quốc tế.

Chị Huyền cảm động trước tình cảm của các vị khách quốc tế.

Sau ngày đầu tiên, bếp ăn của công ty có thêm nhân lực là các cô, các bác hàng xóm xung quanh. Một quán ăn ở bên cạnh văn phòng cũng cho mượn bếp, đồ dùng để chế biến.

Chị Huyền chia sẻ cũng trong cơn lũ lịch sử này, chị càng cảm nhận được sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam.

"Thực ra trước nay chúng tôi chỉ là làm doanh nghiệp, độc lập, không mấy giao lưu với các hộ dân xung quanh. Nhưng ngay khi biết tin chúng tôi nấu bếp, mọi người chủ động tới ngỏ ý giúp, có cả những cô bác 60, 70 tuổi giúp nhặt rau, vo gạo. Có cô mang theo bao gạo, có chị xách tới vài bắp ngô ủng hộ", chị bày tỏ.

Bên cạnh đó, sự giúp sức của các du khách ngoại quốc cũng khiến chị ấm lòng. Chẳng ai bảo ai, chính sự tử tế đã kéo mọi người lại gần với nhau, cùng làm việc ý nghĩa.

"Các bạn ấy tâm sự với tôi rằng đã đi du lịch nhiều nước nhưng chưa thấy ở đâu có những hoạt động tương trợ nhau, được thực hiện theo những cách ấn tượng, ấm lòng như ở Việt Nam. Ngay cả việc các bạn là khách du lịch, người hoàn toàn xa lạ cũng được ở miễn phí. Các bạn nói rằng chưa đến nơi nào đem lại cảm xúc giống như các bạn vừa trải qua ở Sapa".

Trong thời gian ngắn chung sức, chị Huyền cũng chia sẻ với các vị khách về tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau của người Việt Nam trong khó khăn.

"Chúng tôi rất vui và phần nào tự hào khi làm được việc tốt giúp đỡ mọi người, cũng giới thiệu được với bạn bè quốc tế về sự đùm bọc, yêu thương nhau của người Việt Nam", nữ giám đốc bày tỏ.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ket-lai-sapa-khach-tay-giup-nguoi-viet-chuan-bi-com-cuu-tro-post1497176.html