Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Văn phòng Chính phủ công bố kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo NĐ xăng dầu.
Theo đó, ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các Bộ, cơ quan liên quan về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tham dự họp có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và đại diện các Bộ, cơ quan tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
Thứ nhất, các Bộ, cơ quan dự họp thống nhất các nội dung liên quan đến công thức giá, điều hành giá, tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở, quản lý, sử dụng giám sát Quỹ bình ổn giá và việc phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan về các nội dung trên tại dự thảo Nghị định đã thực hiện theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14 tháng 10 năm 2023 và kế thừa quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, hoàn thiện một số nội dung kỹ thuật để phù hợp với quy định và khả thi trong triển khai thực hiện, không phát sinh vướng mắc. Khi xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Quý II năm 2024) sẽ đánh giá, xem xét kỹ lưỡng việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trên.
Thứ hai, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Tờ trình xin ý kiến Chính phủ đối với 02 nội dung theo đề xuất của Bộ Công Thương tại cuộc họp về việc giữ nguyên, không sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
"Bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử cho phù hợp với tình hình thực tế, không để ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu và giao Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn theo quy định như ý kiến thống nhất của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính tại cuộc họp" - Phó thủ tướng kết luận.
Trước đó, vào năm 2022, khi thị trường xăng dầu có những biến động lớn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 và Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 (Nghị định 83) và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95) theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.
Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (tại cuộc họp ngày 12/11/2021) rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định nêu trên.
Đồng thời, ngay sau đó, ngày 14/11/2022, Bộ Công Thương đã có các Công văn số 7197 và 7198 gửi các Bộ ngành, địa phương, về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Song song với đó, có Công văn số 7254/BCT-TTTN ngày 16/11/2022 gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu.
Sau nhiều lần xin ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7/2023.
Bộ Công Thương thông tin, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây, ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu; thời gian điều hành; dự trữ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý… Đó đều là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận rất kỹ trong quá trình sửa đổi.
Tuy nhiên, năm 2022, những biến động của thị trường xăng dầu mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó… Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo khi soạn thảo Nghị định này là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.