Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

y ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội cần tiếp tục có sự nghiên cứu, hoàn thiện hơn để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tại phiên họp thứ 11 (tháng 5/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực chuẩn bị và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cần tiếp tục có sự nghiên cứu, hoàn thiện hơn để đáp ứng yêu cầu như: bảo đảm mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế, tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, chức trách của đại biểu Quốc hội, tăng cường trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các cơ quan về các nội dung tại kỳ họp và nhiều vấn đề cụ thể khác để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của kỳ họp, giảm thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp; các nội dung sửa đổi, bổ sung cần phải có cơ sở với lập luận rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp.

Về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị:

Một là, đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tăng cường vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần giữ như quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 7 phút và quy định một số tiêu chí để Chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh việc phát biểu của đại biểu Quốc hội phù hợp với tình hình đăng ký của đại biểu và tính chất nội dung cụ thể của phiên họp nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.

Hai là, về trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định trách nhiệm trình và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về nhân sự là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ba là, đối với trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp Tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc nội quy hóa thực tiễn thi hành và bổ sung quy định bảo đảm bao quát các trường hợp tiếp thu, giải trình của các cơ quan trình dự án, dự thảo; tuy nhiên cũng cần xác định rõ vai trò của Cơ quan chủ trì thẩm tra trong quy trình này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để có cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), bảo đảm chất lượng; xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ket-luan-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ve-du-thao-noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-sua-doi-post194985.html