Kết luận thanh tra việc mua sắm thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại 2 bệnh viện và 6 địa phương

Chánh Thanh tra tỉnh, vừa ban hành các kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bình Thuận, Bệnh viện Phổi, UBND huyện: Hàm Tân, Tánh Linh, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và TP. Phan Thiết

Theo đó, ngày 18/01/2022, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTBT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, Kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid -19 tại các đơn vị, địa phương nói trên trong 2 năm(2020 và 2021)

Cụ thể: Bệnh viện Y học Cổ truyền – Phục hồi chức năng Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, nguồn thu tại Bệnh viện và các khoản đóng góp của các cơ quan, tổ chức để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 5,8 tỉ đồng.

Bệnh viện đã chi hơn 3,3 tỉ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trong quá trình thực hiện, bệnh viện đã điều chỉnh nguồn vốn thanh toán từ nguồn chi thường xuyên sang nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên lại không báo cáo cấp thẩm quyền là không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt.

Thực hiện mua giảm một số mặt hàng đã ký trong hợp đồng nhưng không ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng mà thực hiện thanh lý kết thúc hợp đồng theo thực tế mua là không tuân thủ quy định.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về Giám đốc Bệnh viện; trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về trưởng bộ phận và các cán bộ, viên chức được phân công.

Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở Y tế kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng trong việc nghiệm thu và thanh lý hợp đồng gói thầu 1 không đúng hãng sản xuất của hai mặt hàng trong hợp đồng đã ký.

Đối với Giám đốc Bệnh viện, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trưởng bộ phận và các cán bộ, viên chức có liên quan đến những tồn tại, hạn chế nêu trên. Đề ra các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tránh lặp lại trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục mua sắm sau này.

Tại Bệnh viện Phổi, đơn vị đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, nguồn thu tại Bệnh viện và các khoản đóng góp của các cơ quan, tổ chức để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 9,5 tỷ đông. Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, Bệnh viện Phổi đã chi số tiền hơn 6,9 tỷ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Nhìn chung, Bệnh viện đã chấp hành tương đối đầy đủ theo các quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, Kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid -19.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số hạn chế, thiếu sót như: Bệnh viện gửi hồ sơ yêu cầu cho 3 nhà thầu, sau đó tiến hành lập biên bản mở thầu, đánh giá HSĐX đối với 03 nhà thầu là không đúng quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; Bệnh viện không gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo quy định ; Bệnh viện không quy định và Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật thiết bị y tế Hoàng Long không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định.

Tại huyện Hàm Tân, Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị có liên quan đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID -19.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu (Giám đốc Trung tâm y tế huyện chỉ ký tên và đóng dấu vào trang bìa của hồ sơ yêu cầu); nội dung hồ sơ yêu cầu không đầy đủ theo quy định; đánh giá hồ sơ đề xuất không đúng tiêu chuẩn đánh giá theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định; không có báo cáo thẩm định kết quả chỉ định thầu theo quy định…

Ngoài ra, gói thầu mua sắm giường inox cho cơ sở cách ly tập trung tại Trường THPT Hàm Tân, ngoài những thiếu sót như nêu trên, Đoàn Thanh tra còn phát hiện Trung tâm y tế huyện thực hiện việc mượn giường trước để thành lập khu cách ly tập trung, sau đó làm hồ sơ chỉ định thầu và phê duyệt đơn vị cho mượn được trúng thầu.

Tuy nhiên, qua đối chiếu tài liệu về giá đầu vào của đơn vị trúng thầu, cho thấy giá bán của đơn vị trúng thầu chênh lệch ít so với giá đầu vào (tỉ lệ là 20,37%).

Việc mượn và làm hồ sơ chỉ định thầu cho đơn vị mượn trước là việc xử lý tình huống trong trường hợp cấp bách nhưng không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu (trách nhiệm thuộc về Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện).

Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị chủ tịch UBND huyện Hàm Tân tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện; đồng thời chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hàm Tân tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc làm hồ sơ chỉ định thầu đơn vị cho mượn giường trúng thầu đối với gói thầu Mua sắm giường Inox cho cơ sở cách ly tập trung tại Trường THPT Hàm Tân.

Tại Tánh Linh, UBND huyện đã bố trí đầy đủ các nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 15 tỉ đồng. Huyện đã chi hơn 12,5 tỉ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Quá trình thực hiện, Trung tâm Y tế huyện không tổ chức, thực hiện hiện khảo sát giá mà nhận báo giá từ một nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH trang thiết bị Y tế Minh Hoàng) là không minh bạch, độc lập, khách quan trong xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Bộ Tài chính.

Trung tâm Y tế huyện không trình và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện không thực hiện thẩm định giá gói thầu; không đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu; không thực hiện thương thảo hợp đồng…

Tại Tuy Phong, UBND huyện đã bố trí các nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hơn 22 tỉ đồng. Huyện cũng đã chi gần 20 tỉ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị y tế…

Quá trình thực hiện có một số hạn chế, thiếu sót như Công ty Cổ phần Vaccine & Sinh phẩm Nam Hưng Việt trong cùng một ngày (20-8-2021) có hai bản báo giá khác nhau. Theo đó, báo giá được chọn là giá trúng thầu phát sinh trước thời điểm có ý kiến của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện để làm cơ sở trình xin phê duyệt giá gói thầu là không đúng.

Tại huyện Hàm Thuận Nam: UBND huyện Hàm Thuận Nam đã bố trí gần 30 tỉ đồng và đã chi 13,3 tỉ đồng để sử dụng cho công tác phòng, chống dịch.

Nhìn chung, Trung tâm Y tế huyện chấp hành tương đối đầy đủ theo các quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Trung tâm Y tế huyện không trình và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện không thực hiện thẩm định giá gói thầu theo quy định.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc: UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã bố trí đầy đủ nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền là hơn 45,6 tỉ đồng. UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chi số tiền hơn 29,3 tỉ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn huyện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số hạn chế, thiếu sót:

Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc tự ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tự thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện là không đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị quyết số 63/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Trung tâm Y tế huyện không tổ chức, thực hiện khảo sát giá mà nhận 3 báo giá từ 1 nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH trang thiết bị Y tế Minh Hoàng) là không minh bạch, độc lập, khách quan trong xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Bộ Tài chính.

Trung tâm Y tế huyện không thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định Luật Đấu thầu mà mua sắm theo Hợp đồng đã ký trước đó.

Tại TP. Phan Thiết:UBND thành phố Phan Thiết đã bố trí đầy đủ nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền là hơn 74,1 tỉ đồng. UBND thành phố Phan Thiết đã chi số tiền hơn 38,4 tỉ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và chi cho các chế độ đặc thù theo Nghị quyết của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số hạn chế, thiếu sót như: Không thực hiện việc đăng tải thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; Không thực hiện hoặc có thực hiện việc đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không đảm bảo thời gian 07 ngày làm việc theo quy định; Không gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng theo quy định.

Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót, hạn chế của các đơn vị trên là khách quan, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, đòi hỏi việc mua sắm nhanh, khẩn cấp để đảm bảo phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch và điều trị. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc lập và triển khai các thủ tục mua sắm.

Nguyên nhân chủ quan là do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật mua sắm. Cùng với đó, những người được phân công nhiệm vụ còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chưa đầy đủ và hiểu chưa đúng chính sách, pháp luật nên thực hiện sai trình tự, thủ tục về đấu thầu mua sắm.

Từ cơ sở này, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các giám đốc của các Trung tâm Y tế Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi và đề nghị Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết, Tuy Phong, Giám đốc Bệnh viện Phổi, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân về những tồn tại, hạn chế nêu trên…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ket-luan-thanh-tra-viec-mua-sam-thiet-bi-vat-tu-y-te-phuc-vu-phong-chong-dich-covid-19-tai-2-benh-vien-va-6-dia-phuong-96647.html