Kết nối, chia sẻ giải pháp nâng cao khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV đã có nhiều trao đổi về việc kết nối, đưa ra giải pháp nâng cao khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, chiều ngày 25/3 tại Đại học Huế đã diễn ra hai chương trình về đổi mới sáng tạo thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, giáo viên và các doanh nghiệp tham gia.
Kết nối Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại học Huế phối hợp cùng sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Google Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Diễn đàn Kết nối Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Việc tăng cường kết nối mạng Mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng sẽ tham gia đóng góp nhiều hơn trong các lĩnh vực: từ xây dựng thể chế, chính sách đến huy động nguồn lực - cả về tài chính và nhân lực, góp phần phát triển các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng ”.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia khẳng định, với vai trò là cơ quan bảo trợ VNEI, NIC kỳ vọng đẩy mạnh kết nối giữa các thành viên trong Mạng lưới và với các nguồn lực hỗ trợ khác cho mục tiêu chung là phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cao của thị trường lao động trước Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mạng lưới đã triển khai được một số hoạt động ấn tượng như: Giới thiệu về Mạng lưới tại TECHFEST Bình Dương và TECHFEST Nghệ An; Hỗ trợ ĐH Tây Nguyên tổ chức khóa TOT cho 30 cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Nguyên...
Trong năm 2023, VNEI có kế hoạch phát triển Mạng lưới không chỉ mở rộng hơn về số lượng mà còn cả về chất lượng, bao gồm việc tổ chức các hội thảo về triển khai doanh nghiệp trong trường đại học, triển khai quỹ đầu tư trong trường đại học; tạo lập cơ sở dữ liệu các chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế; tìm kiếm các mạng lưới tương tự từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới để hợp tác...
Cũng tại Diễn đàn, một số nền tảng, chương trình hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã chính thức được công bố:
Thứ nhất là nền tảng Kết nối các hoạt động của Mạng lưới (VNEI) với mục tiêu lan tỏa và chia sẻ thông tin về các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các thành viên trong Mạng lưới.
Thứ hai là website nhân lực số, nằm trong khuôn khổ Hoạt động "Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp”. Nền tảng nhân lực số được phát triển nhằm chia sẻ các thông tin bao gồm nhưng không giới hạn về các vị trí công việc, mức lương cũng như các kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ cần thiết tương ứng cho nguồn nhân lực trẻ có mong muốn làm việc trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các ngành nghề số khác. Các thông tin được cụ thể hóa thông qua nền tảng trực tuyến nhân lực số tại: nhanlucso.com.vn
Thứ ba là chiến dịch tìm kiếm nhân tài số năm 2023. Chiến dịch nhằm khuyến khích sinh viên năm cuối tham gia chương trình học bổng phát triển Nhân tài số bằng việc hoàn thành ít nhất một trong năm khóa học của Chương trình trên nền tảng Coursera trước ngày 31/8 để nhận Chứng nhận của Google có giá trị toàn cầu. Các khóa học bao gồm: Data Analyst (Phân tích Dữ liệu), Project Management (Quản lý Dự án), IT Support (Hỗ trợ CNTT); UX Design (Thiết kế trải nghiệm người dùng) và Online Marketing and E-Commerce (Marketing trực tuyến và Thương mại điện tử).
Năm 2022 đã có 20.000 học viên trên cả nước nhận học bổng từ Chương trình Phát triển nhân tài số, trong đó có 16.191 tài khoản nhập học và đang thực hiện các khóa của Chương trình. Đến nay đã có 848 học viên hoàn thành khóa học và nhận được Chứng nhận của Google.
Bảy giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông
Trong chiều ngày 25/3 cũng đã diễn ra phiên đối thoại “Bàn luận các giải pháp để nâng cao hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông” để có thể sớm hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp cho học sinh. Trong đó đề cập đến vai trò trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan như Nhà trường- Doanh nghiệp- Nhà nước (Trung ương và địa phương).
Hiện nay cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài. Yếu tố then chốt quyết định sự nảy nở ra nhiều dự án khởi nghiệp thành công là hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp cần được gieo hạt và ươm mầm ngay từ bậc phổ thông.
Ở giai đoạn ý tưởng, các trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và các kỹ năng, tư duy về đổi mới sáng tạo cho học sinh thông qua các môn học, thông qua các hoạt động đào tạo và thông qua hệ thống tài liệu.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế để học sinh được chứng kiến cụ thể các hoạt động về nghề nghiệp, việc làm từ đó định hướng đúng về năng lực sở trường, bản thân và hình thành các ý tưởng khởi nghiệp. Tạo môi trường để học sinh được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động thực hành, sản xuất thử thông qua môi trường doanh nghiệp.
Tại phiên đối thoại, các diễn giả đã có những trao đổi, phân tích thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp, thực trạng triển khai ở trường phổ thông, từ đó thảo luận để đưa ra một số những giải pháp cần thiết nhằm khuyến nghị cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo có thể nhận thức rõ những vấn đề còn vướng mắc để sớm có giải pháp nâng cao hoạt động khởi nghiệp trong các nhà trường phổ thông đạt hiệu quả cao.
Các tham luận, phát biểu đã tập trung làm rõ 2 nội dung chính: Đánh giá thực trạng các hoạt động hướng nghiệp - khởi nghiệp trong các trường phổ thông từ năm 2018 đến nay và Bàn về các giải pháp hỗ trợ hướng nghiệp - khởi nghiệp trong các trường phổ thông.
Từ các nội dung chính trao đổi trên gợi mở một số giải pháp để nâng cao hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông, góp phần phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, bền vững, cụ thể:
Giải pháp 1: Nâng cao nhận thức, hiểu rõ định hướng của chương trình hướng nghiệp theo chương trình Giáo dục Phổ thông hiện nay.
Giải pháp 2: Đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp từ tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông tại không gian bên ngoài - bên trong nhà trường, nhà máy, doanh nghiệp...
Giải pháp 3: Thúc đẩy Kết nối giữa doanh nghiệp - trường học để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh phổ thông; Xây dựng các mô hình – hệ sinh thái khởi nghiệp từ phổ thông đến đại học và doanh nghiệp, từ thành công ban đầu sẽ nhân rộng mô hình;
Giải pháp 4: Xây dựng các chương trình tài trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và trường đại học, để đồng hành với chương trình khởi nghiệp của bậc phổ thông.
Giải pháp 5: Kết hợp với các tập đoàn lớn và các bộ/cơ quan/đơn vị đang cùng triển khai hoạt động khởi nghiệp tổ chức một hành trình truyền cảm hứng về khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp trong hệ thống nhà trường; cùng tổ chức Tuần lễ quốc gia về khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi Hùng biện về khởi nghiệp/đại sứ khởi nghiệp/đưa tiết học về khởi nghiệp.
Giải pháp 6: Tăng cường đào tạo, kết nối, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho các cán bộ, nhân sự phụ trách hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường, các cơ sở đào tạo.
Giải pháp 7: Thiết lập kho dữ liệu số về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ bậc phổ thông để phục vụ cho các cá nhân, đơn vị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi tra cứu, kết nối với các nguồn lực…
Phiên Đối thoại có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.