Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa để các doanh nghiệp 'cùng thắng'
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để kết nối, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp cung ứng trong và ngoài nước.
Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra chiều ngày 16/6 đã thu hút hơn 200 đại biểu. Mục tiêu là kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh tiêu thụ trong nước và vào hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.
Tạo sân chơi thuận lợi cho thị trường hàng hóa trong nước
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng bức tranh kinh tế cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.
Do đó, Bộ Công Thương rất chú trọng nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó có chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: cơ quan quản lý nỗ lực tạo điều kiện để doanh nghiệp cung ứng trong và ngoài nước vận hành theo quy luật thị trường.
Việc Bộ Công Thương tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá đã giúp tiêu thụ lượng lớn hàng hóa mỗi năm thông qua hàng nghìn hợp đồng ký kết, đồng thời giúp các thành phố lớn không bị thiếu hàng, giá cả hàng hóa ổn định trong những dịp cao điểm như lễ, Tết, dịp cuối năm, đặc biệt với hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, đặc sản vùng miền.
Một tin vui với các nhà sản xuất là nhiều tên tuổi lớn như AEON, Central Retail, WinComerce… cho biết sẽ đầu tư để mở rộng chuỗi phân phối của mình tại thị trường Việt Nam trong năm 2023. Đó chính là đầu ra quan trọng cho các sản phẩm của địa phương, các hệ thống sản xuất.
Để kết nối là cuộc chơi “cùng thắng”
Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, Quản lý thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống của Central Retail Việt Nam, công ty đã có chương trình “Sinh kế cộng đồng”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt, người nông dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào miền núi .
Central Retail sẽ hướng dẫn cho nhà cung cấp từ khâu gieo trồng, chăm sóc, đóng gói, bao bì cho phù hợp với yêu cầu để có thể vào được kênh bán lẻ của chuỗi. Thông qua chương trình này, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã trở thành nhà cung cấp lâu dài của chuỗi.
Bên cạnh yếu tố chất lượng và giá cả, người tiêu dùng cũng rất quan tâm tới yếu tố truy xuất nguồn gốc, để có thể yên tâm về sản phẩm mình đang sử dụng. Hiện nay, Central Retail khuyến nghị mức tiêu chuẩn thấp nhất là cần đạt là VietGap, bởi chất lượng hàng hóa sẽ được đảm bảo của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều chuỗi cũng yêu cầu các sản phẩm cần truy xuất được vùng trồng, nhà trồng, quá trình gieo trồng, chăm sóc sản phẩm. Ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng điều hành vùng miền Bắc, Công ty MM Mega Market Việt Nam lý giải, Mega Market có nhiều đối tác là các nhà hàng, khách sạn với lượng tiêu thụ lớn. Do đó, khi sản phẩm gặp vấn đề, Mega Market cần căn cứ để tìm hiểu xem sản phẩm đã gặp lỗi ở khâu nào để xử lý cho phù hợp. Đây cũng là cách để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đến khâu cuối cùng.
Ông Trần Trọng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu và Bán lẻ hàng tiêu dùng Hà Nội (HCRC), CTCP Tập đoàn BRG cho biết, bên cạnh các tiêu chí để nhập hàng hóa như chất lượng, tính minh bạch… BRG còn rất quan tâm đến tính bền vững và sẽ ưu tiên hơn cho những đối tác ký kết lâu dài với công ty.
Từ đó, việc hợp tác sẽ dài hơi hơn, tạo cơ sở để doanh nghiệp có thể yên tâm mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã; nhà phân phối, bán lẻ cũng có thể yên tâm nhập khẩu và lên kế hoạch quảng bá tốt hơn cho sản phẩm, tạo thành chuỗi cung ứng bền vững giữa nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng, tránh sự đứt gãy, gián đoạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa ra thị trường.