Kết nối - cung cầu thêm sức lan tỏa cho hàng Việt

Với phương châm 'muốn đi xa hãy đi cùng nhau', Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa với sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ Công Thương đã phát huy vai trò cầu nối giúp các nhà sản xuất và kênh phân phối đến gần nhau hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) cũng được tiếp thêm sức mạnh phát huy nội lực để tăng sức cạnh tranh, nâng chất lượng cho sản phẩm trên thị trường.

TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò kết nối với các tỉnh thành

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh, ngành Công Thương đã thực hiện chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành. Với cách làm luôn được đổi mới, chương trình trở thành một kênh giao thương hàng hóa đạt hiệu quả cao giữa các vùng miền.

Đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 8 năm (2012- 2019) thực hiện chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành, quy mô của chương trình ngày càng mở rộng, có thêm nhiều DN và nhiều địa phương tham gia, hàng hóa phong phú, hợp đồng ký kết tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng.

Cụ thể, đã có 3.193 hợp đồng được ký kết, trung bình mỗi năm giá trị hàng hóa thực hiện hợp đồng bình quân đạt 4.500 tỷ đồng. Từ các hoạt động kết nối, hiện đã có 28 DN của TP. Hồ Chí Minh đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng xây dựng 47 nhà máy, 63 trang trại tại các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, các DN này còn tổ chức ứng vốn hơn 3.200 tỷ đồng mỗi năm cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm.

Đặc sản các vùng miền tham gia chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020

Đặc sản các vùng miền tham gia chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020

Tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020 vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, đã có hơn 1.500 DN của 43 tỉnh thành trong cả nước tham gia trưng bày 512 gian hàng, giới thiệu với người tiêu dùng gần 2.000 sản phẩm đặc sản của địa phương. Mỗi ngày doanh thu bán hàng tại sự kiện đạt khoảng 7,6 tỷ đồng và có gần 600 biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, phân phối sản phẩm đã được ký kết.

Từ phía các địa phương, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa ghi nhận cũng đã đảm bảo được mục tiêu đề ra là hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong tỉnh tìm kiếm các đối tác, khách hàng tiềm năng; quảng bá giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị phân phối và tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Trương Văn Thôi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - chia sẻ, với 14 chương trình tham gia trong thời gian qua đã có 53 hợp đồng, biên bản ghi nhớ và giao dịch thương mại thực hiện trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng. Còn tại Bến Tre, ngành Công Thương tỉnh Bến Tre cũng đã thực hiện nhiều chương trình kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại về hàng Việt, qua đó nhiều mặt hàng sản xuất tại địa phương đã có thêm điều kiện lan tỏa đến các vùng miền trên cả nước.

Có thể nói, chương trình hợp tác kết nối cung - cầu hàng hóa đã giúp cho TP. Hồ Chí Minh chủ động được nguồn hàng thiết yếu và cung cấp ổn định để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân đồng thời hỗ trợ các tỉnh thành thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo ra sự liên kết phát triển kinh tế trong toàn vùng.

Thêm sức lan tỏa cho hàng Việt

Từ sự khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương ra đời vào thời điểm nhu cầu tìm đầu ra cho sản phẩm của các nhà sản xuất đang bức thiết, nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao. Chính khi cung và cầu gặp nhau đã thúc đẩy mạnh mẽ khâu sản xuất, phân phối, bao tiêu và đây là động lực tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt vươn ra thị trường.

Từ phía các nhà phân phối cho thấy, hệ thống phân phối đang rất ưa chuộng các loại hàng Việt, hàng đặc sản của các địa phương. Đại diện MM Mega Market thông tin, hệ thống siêu thị này đang tiêu thụ nhiều loại đặc sản của Bến Tre, trong đó có 60% bưởi hồng da xanh và 80% lượng tôm thẻ. Mới đây siêu thị còn xuất khẩu một container sản phẩm dừa Bến Tre qua thị trường Đài Loan.

Đặc sản miền Tây Nam bộ chào hàng người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tại chương trình kết nối cung - cầu

Đặc sản miền Tây Nam bộ chào hàng người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tại chương trình kết nối cung - cầu

Theo bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương luôn đồng hành và hỗ trợ DN trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho DN, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Liên kết cung cầu đã hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trên cả nước, tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

“Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành trong bối cảnh kinh doanh mới còn góp phần hỗ trợ DN khắc phục khó khăn bởi dịch bệnh, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam” và tạo cơ hội để thêm sức lan tỏa cho hàng Việt” - bà An nhấn mạnh.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-cung-cau-them-suc-lan-toa-cho-hang-viet-146531.html