Kết nối di sản văn hóa, phát huy sức mạnh mềm ASEAN

Với 37 di sản hiện đã được UNESCO ghi danh, việc kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN với hợp tác phát triển du lịch bền vững đang được các nước trong khu vực đặc biệt đề cao và thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Có thể thấy, ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hầu hết, các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018. Trao đổi khách nội khối ASEAN chiếm 37% tổng lượng khách đến khu vực cho thấy tầm quan trọng của thị trường gần với mỗi nước ASEAN.

Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN. (Ảnh: An Lê)

Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN. (Ảnh: An Lê)

Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa thời gian qua, các nước ASEAN đã đạt được nhiều kết quả thiết thực thông qua nhiều hình thức hợp tác đa dạng, bao gồm xây dựng, thực hiện các khuôn khổ pháp lý trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, thực hiện các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa; triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong khu vực ASEAN bằng nhiều hình thức đa dạng...

Việt Nam tích cực xúc tiến kết nối

Tại Hội nghị quốc tế về hợp tác văn hóa, giáo dục trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch Việt Nam Tạ Quang Đông cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững hiện nay gặp phải thách thức khi nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đang phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu, sự phát triển xã hội...

Theo ông Tạ Quang Đông, Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa phát triển và bảo tồn trong điều kiện phát triển đô thị và công nghiệp ngày càng gia tăng. Về nguồn lực, kiến nghị và giải pháp, xác định vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa là một trong các loại tài nguyên để phát triển du lịch, cũng như mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi trọng nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đặc biệt, trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, việc phát huy các tiềm năng du lịch của di sản văn hóa ASEAN không chỉ dừng lại ở phát triển bền vững để bảo tồn các giá trị của di sản, mà còn phải đảm bảo lợi ích kinh tế của các quốc gia, cộng đồng.

Trong chiến lược phát triển, nguồn lực cho bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững được xác định bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn lực này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, tạo ra những thách thức trong phát triển bền vững. Các nước ASEAN chưa thực sự có đủ điều kiện đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi của các nước.

Nhằm mục đích triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam cũng đề xuất hình thành tổ chức Hiệp hội bảo tàng các nước ASEAN, thành viên của Hiệp hội bảo tàng - ICOM quốc tế, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý di sản văn hóa. Bên cạnh việc xây dựng những trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di sản mang tầm quốc tế, kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, cần có những hành động tích cực và chủ động từ các quốc gia thành viên, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để hình thành mạng lưới kết nối các di sản thế giới ASEAN thông qua phương tiện kỹ thuật, công cụ phù hợp.

Tầm nhìn chung về phát triển bền vững

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft khẳng định rằng, trong lĩnh vực văn hóa, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang dẫn đầu và góp phần trong nhiều tiến trình dẫn tới sự hình thành của 6 Công ước Văn hóa UNESCO, tiến trình trong quá khứ và hiện tại về việc cập nhật các chính sách của UNESCO và các hướng dẫn vận hành nhằm nhanh chóng thực hiện các công ước đó, đối phó với bối cảnh phát triển đang thay đổi và chương trình phát triển bền vững mới.

Ông Michael Croft cũng cho biết UNESCO đã đang phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thực hiện và thí điểm hàng loạt các sáng kiến đem lại cả những thực hành tốt và những phát hiện là nền tảng cho các khuyến nghị nên được thực hiện ở mức độ chính sách, cấp quốc gia và liên quốc gia; nhờ đó các quan hệ đối tác giữa các tổ chức lập pháp đóng vai trò quan trọng lớn.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft. (Ảnh: BTC)

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft. (Ảnh: BTC)

Là một khu vực giàu có và đa dạng tài nguyên văn hóa, các quốc gia ASEAN đang trở thành một điểm đến du lịch “Top”. Chỉ ra tiềm năng to lớn về sự hiện diện mạnh mẽ, phát huy sức mạnh mềm của cộng đồng ASEAN, đại diện UNESCO cho rằng những vấn đề chung ở các khu di sản thế giới của ASEAN là làm thế nào để các quốc gia có thể hợp tác cùng hành động để tăng cường sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo đó, ASEAN nên xây dựng những tầm nhìn chung thông qua một tiến trình đa đối tượng tham gia vì du lịch bền vững. Điều này thực sự phản ánh các giá trị di sản của các khu, ở mức độ địa phương, đồng thời sử dụng các văn bản tầm nhìn này để dẫn dắt, thông báo quy hoạch du lịch và ra quyết định phát triển cũng như các thực hành khác đối với các khu di sản thế giới và các vùng đệm một cách tương thích.

Đặc biệt, trong năm qua, Ban Thư ký ASEAN đã khai trương Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) tại địa chỉ https://heritage.asean.org.

Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak nhấn mạnh, dự án ACHDA là “bước tiến quan trọng” của ASEAN nhằm nâng cao sự hiểu biết về các di sản văn hóa đa dạng của khu vực. Ông bày tỏ hy vọng các công dân ASEAN sử dụng trang web này sẽ đánh giá cao các di sản văn hóa được chia sẻ, thấm nhuần sâu sắc ý thức khu vực và cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ bản sắc ASEAN.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-noi-di-san-van-hoa-phat-huy-suc-manh-mem-asean-132165.html