Kết nối doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất

Để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.

Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Với mục tiêu nhìn nhận cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong bối cảnh trên, qua đó nâng cao hiểu biết chung của các bên liên quan, và phối hợp triển khai các hành động cần thiết, ngày 17/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam” nhằm chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế; trong đó có vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, với việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) qua nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất trong Chiến lược đàm phán hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2010 - 2020.

Các FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại.

Tuy nhiên, các FTAs thế hệ mới chứa đựng nhiều quy định điều chỉnh chính sách thương mại trong nước của các quốc gia thành viên và đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện. Đơn cử, CPTPP và EVFTA không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế cụ thể đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực này.

Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.

Cùng với các cơ chế thúc đẩy thực thi FTAs (được coi là cam kết giữa các Chính phủ), gần đây, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU và Hoa Kỳ còn tăng cường thực thi các cam kết phát triển bền vững thông qua Luật thẩm định trách nhiệm chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp tại nước họ có trách nhiệm truy soát chuỗi cung ứng.

“Để có thể tiếp cận các thị trường này, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải chứng minh tuân thủ những tiêu chuẩn phát triển bền vững; trong đó, có các tiêu chuẩn lao động quốc tế”, ông Đặng Đức Anh cho hay.

Ông Tim De Meyer, Cố vấn cấp cao về Tiêu chuẩn Lao động quốc tế, Vụ Tiêu chuẩn Lao động quốc tế, Văn phòng Lao động quốc tế tại Geneva cho rằng, chúng tôi cam kết nỗ lực để đạt được một chu kỳ thành công về phúc lợi của người lao động và sự vững mạnh về xã hội và kinh tế, điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng bền vững và tăng lương thực tế theo năng suất, góp phần đầu tư thêm vào nguồn nhân lực.

“Quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm thỏa đáng và tăng trưởng tiền lương”, ông Tim De Meyer nhấn mạnh.

Để khai thác hiệu quả các FTA và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế; nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả; trong đó có cam kết về lao động.

Cùng với đó, cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích sáng tạo; qua đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và tạo đột phá trong thu hút FDI có chất lượng từ các nước thành viên tham gia FTA; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các điều kiện theo cam kết và giảm chi phí tuân thủ các hàng rào thương mại.

Đối với doanh nghiệp cần nâng cao mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin; có kế hoạch và sự chuẩn bị bài bản (bao gồm cả việc thực hiện các yêu cầu về lao động) để tận dụng cơ hội thị trường; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, của các nước trong CPTPP, Hoa Kỳ,... đồng thời, kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, chuyên môn hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…/.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-doanh-nghiep-tao-chuoi-lien-ket-san-xuat/312162.html