Kết nối đôi bờ hữu nghị

Long An có gần 135km đường biên giới giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia, trong đó, có những đoạn biên giới đường bộ và đường sông. Thời gian qua, những cây cầu Hữu Nghị được xây dựng nối liền đôi bờ biên giới không những đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự mà còn vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Những cây cầu Hữu Nghị được xây dựng nối liền đôi bờ biên giới đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của người dân biên giới

Những cây cầu Hữu Nghị được xây dựng nối liền đôi bờ biên giới đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của người dân biên giới

Qua sông không còn lụy đò

Trước đây, người dân xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An và xã Crúa, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng bị cách trở bởi dòng kênh Cái Cỏ. Người dân qua lại trao đổi hàng hóa, thăm thân gặp nhiều khó khăn vì “qua sông lụy đò”.

Thế rồi, cầu Hữu Nghị 1 bắc qua kênh Cái Cỏ được 2 tỉnh Long An và Svay Rieng thống nhất chủ trương thực hiện. Tháng 8/2009, cầu Hữu Nghị 1 chính thức được khởi công xây dựng với chiều dài 63m, rộng 9m, tổng vốn đầu tư hơn 8 tỉ đồng. Sau gần 3 năm thi công, đến tháng 3/2012, cầu chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng của người dân tỉnh Long An và Svay Rieng nói chung cũng như người dân xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng và xã Crúa, huyện Svay Chrum nói riêng.

Cầu Hữu Nghị 1 hoàn thành đánh dấu mốc lịch sử đáng nhớ cho người dân 2 xã biên giới Khánh Hưng và Crúa. Mỗi ngày, có hàng chục lượt người và phương tiện qua lại trên cây cầu này. Người thì qua làm thuê, người qua mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản,...

Ông Huỳnh Văn Tiến (ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) hơn chục năm qua, hàng ngày vẫn qua lại cầu Hữu Nghị 1 để sang Campuchia trao đổi, mua bán một số mặt hàng nông sản địa phương. Ông Tiến cho biết: “Lúc chưa có cầu, việc đi lại của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như lúc trước đi đò phải mất hơn 15 phút thì giờ qua cầu chỉ hơn 2 phút. Ngoài thời gian được rút ngắn, cây cầu còn góp phần làm cho tình bạn giữa nhân dân hai bên thêm gắn kết”.

Xuôi theo con đường tuần tra biên giới dọc theo kênh Cái Cỏ, cách đó khoảng 10km là cầu Hữu Nghị 2. Giữa năm 2015, cầu Hữu Nghị 2 chính thức hoàn thành, nối liền xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng và xã Chàm, huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng, kết nối Đường tỉnh 819 của tỉnh Long An với đường Svai À Ngong, huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng.

Từ khi cầu Hữu Nghị 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, hoạt động qua lại của người dân hai bên biên giới thuận lợi hơn nhiều, hàng ngày đón khoảng trăm lượt người qua lại làm ăn. Khi thì người dân Việt Nam qua buôn bán con cá, con tôm, bó rau,... khi thì những người bạn Campuchia qua làm thuê, mua vật tư nông nghiệp, nông sản, vừa có thêm thu nhập, vừa học được những kinh nghiệm trong làm ăn phát triển kinh tế.

Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị

Những cây cầu vừa là biểu tượng đoàn kết, hữu nghị của người dân 2 nước, vừa là nơi chứng kiến hàng trăm lượt người qua lại hàng ngày để làm ăn, buôn bán, phát triển KT-XH. Người dân hai bên biên giới tuy khác nhau về quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ nhưng luôn xem nhau như hàng xóm, láng giềng.

Hàng ngày, chị Phan Sath (xã Chàm, huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng) ghé Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng xin qua chợ xã Hưng Điền để mua rau, quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm đem về để bán lại cho người dân địa phương

Hàng ngày, chị Phan Sath (xã Chàm, huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng) ghé Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng xin qua chợ xã Hưng Điền để mua rau, quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm đem về để bán lại cho người dân địa phương

Những ngày đầu tháng 10/2024, chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) ngay tại cầu Hữu Nghị 2, chứng kiến người dân 2 xã biên giới qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa, nông sản. Chúng tôi gặp chị Phan Sath trên chiếc xe gắn máy đang di chuyển từ phía xã Chàm ghé vào Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng làm thủ tục xin qua Việt Nam mua ít đồ dùng. Qua tìm hiểu được biết, từ nhiều năm qua, hầu như ngày nào chị cũng xin qua chợ xã Hưng Điền để mua rau quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm về bán lại cho người dân địa phương.

Chị Phan Sath nói: “Nhà cách Việt Nam hơn 3km, gia đình không có ruộng đất, để kiếm tiền nuôi gia đình, tôi mở một quán nhỏ, hàng ngày sang Việt Nam mua ít đồ về bán kiếm lời. Chính quyền, lực lượng chức năng ở đây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi qua lại làm ăn”.

Theo Đại úy Lê Minh Trung - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng, cầu bắt đầu mở cửa từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Đây là khung giờ cố định, nếu như những trường hợp ngoại lệ như đau ốm, bệnh tật thì bất cứ ngày hay đêm cũng phải giải quyết cho người dân. Bình quân mỗi ngày có từ 80-100 lượt người đăng ký xuất, nhập cảnh qua lại biên giới, chủ yếu là người dân xã Hưng Điền và xã Chàm.

Theo Trung tá Phạm Văn Toàn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng, cầu Hữu Nghị 2 đưa vào sử dụng giúp lực lượng vũ trang nói chung, Đồn Biên phòng Sông Trăng nói riêng và bộ đội bảo vệ biên giới Campuchia thuận lợi hơn trong công tác phối hợp, tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới cũng như đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Anh Vil Thy (xã Crúa, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng) từ phía Campuchia sang Việt Nam để mua ít trái cây về bán lại cho người dân địa phương kiếm lời

Anh Vil Thy (xã Crúa, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng) từ phía Campuchia sang Việt Nam để mua ít trái cây về bán lại cho người dân địa phương kiếm lời

Sáng nào cũng vậy, anh Vil Thy (xã Crúa, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng) từ phía Campuchia sang Việt Nam để mua ít trái cây về bán lại cho người dân địa phương kiếm lời. Không những thế, vào mùa vụ, anh cũng qua mua phân bón, thuốc trừ sâu về chăm sóc cho hơn 1ha lúa của gia đình.

Anh Vil Thy chia sẻ: “Mỗi sáng, tôi qua đây, chỉ cần trình giấy tờ tùy thân và làm một số thủ tục đăng ký đơn giản là các anh bộ đội cho qua. Không chỉ tôi mà tất cả người dân sinh sống giáp biên giới đều rất biết ơn khi các bạn tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển kinh tế. Những việc làm thiết thực để lại trong lòng người dân những ấn tượng đẹp”.

Theo Đại úy Ngô Thành Đồng - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh 28, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 150 lượt người dân (Việt Nam 40-50 người, Campuchia 90-100 người) 2 bên đăng ký xuất, nhập cảnh vùng biên giới, thường là đi thăm người thân, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, bên bạn hay sang mình đi chợ, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa nông sản và khám bệnh,...

Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Minh Luân cho biết: “Từ khi đưa vào sử dụng, cầu Hữu Nghị 1 giúp người dân 2 bên biên giới thuận tiện hơn trong việc thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ đó, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước”./.

Kiên Cường

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ket-noi-doi-bo-huu-nghi-a185021.html