Kết nối đồng bộ hạ tầng tuyến metro số 1

Theo dự kiến, cuối năm 2023, tuyến metro sẽ vận hành chính thức, nhưng hiện người dân vẫn chưa hình dung được cách tiếp cận các nhà ga như thế nào.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa chạy thử nghiệm thành công. Người dân TPHCM rất háo hức mong chờ sớm được chính thức lưu thông trên tuyến metro đầu tiên này, sau nhiều năm chờ đợi. Theo dự kiến, cuối năm 2023, tuyến metro sẽ vận hành chính thức, nhưng hiện người dân vẫn chưa hình dung được cách tiếp cận các nhà ga như thế nào.

Tuyến metro số 1 thi công gần hoàn tất, nhưng các công trình giao thông phụ cận để kết nối chưa được đầu tư

Tuyến metro số 1 thi công gần hoàn tất, nhưng các công trình giao thông phụ cận để kết nối chưa được đầu tư

Băn khoăn chỗ gửi xe

Dự án xây dựng tuyến metro số 1 là công trình nằm trong chương trình đột phá nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TPHCM. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành khoảng 94% khối lượng, đã chạy thử nghiệm và dự kiến đưa vào khai thác, vận hành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc về việc khi đến các nhà ga có phải tự tìm chỗ gửi xe hay không, vì tại đây không có chỗ đậu xe. Đặc biệt, người dân sinh sống phía đường song hành Xa lộ Hà Nội (thuộc TP Thủ Đức) đi bộ qua ga metro rất khó khăn. Anh Trần Trường Thắng (ngụ khu dân cư An Phú, An Khánh, phường Bình An, TP Thủ Đức) băn khoăn: “Từ nhà tôi sang nhà ga chừng 300m, nếu muốn đi bộ thì buộc phải băng ngang qua Xa lộ Hà Nội rất nguy hiểm, vì phương tiện lưu thông rất nhanh và dày đặc, trong khi đó khu vực này chưa có vạch ưu tiên cho người đi bộ sang ga metro. Để đi an toàn, không còn cách nào khác là phải đi đường vòng gần 2km mới đến ga. Với khoảng cách như vậy thì phải dùng xe máy, nhưng ngặt nỗi đến ga phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi xe vì tại ga không có điểm gửi. Người dân rất mong có cầu vượt đi bộ từ bên này sang nhà ga Thảo Điền để tiếp cận nhà ga metro thuận tiện và an toàn”. Cùng suy nghĩ với anh Thắng, chị Lê Thúy (ngụ tại chung cư Trường Thọ, TP Thủ Đức) nói: “Từ chỗ tôi ở đi bộ tới ga metro thì xa, còn đi xe máy thì không biết điểm gửi xe ở chỗ nào. Hiện nay cũng chỉ thấy có mỗi cầu thang dẫn lên metro mà thôi”.

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, các nhà ga đã hoàn thành nhưng cho tới thời điểm này, hầu hết chưa có hạ tầng kết nối để người dân tiếp cận thuận tiện. Các nhà ga Khu Công nghệ cao, Bình Thái, Phước Long, Rạch Chiếc, An Phú, Thảo Điền, Tân Cảng, Văn Thánh... chưa có cầu vượt bộ hành kết nối với các khu dân cư lân cận. Đặc biệt, các nhà ga nằm trên các trục Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh có mặt cắt ngang khá lớn và nhiều phương tiện lưu thông với vận tốc cao. “Người dân muốn tiếp cận metro số 1 chẳng lẽ phải mạo hiểm băng qua đường, leo qua dải phân cách? Rồi những hành khách ở xa, nơi những con hẻm sâu, ngõ hẹp không có tuyến xe buýt, phải đi xe máy thì gửi xe ở đâu? Còn nếu vẫn cần có người nhà đưa tới ga bằng phương tiện cá nhân thì còn đâu là câu chuyện phát triển vận tải công cộng phục vụ số đông”, ông Hà Ngọc Trường đặt vấn đề.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km, bao gồm 14 nhà ga, trong đó có 11 nhà ga trên cao (chủ yếu dọc theo trục Xa lộ Hà Nội), 3 nhà ga ngầm khu vực trung tâm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.

Kết nối xe buýt, cầu vượt bộ hành

Trước các vấn đề trên, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (Sở GTVT TPHCM), cho biết, nhằm giúp hành khách tiếp cận các nhà ga, đơn vị được giao làm chủ đầu tư nghiên cứu dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1”. Đến nay, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận và giao Sở KH-ĐT bố trí vốn để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 118,5 tỷ đồng, nhằm xây dựng các công trình hạ tầng cho xe buýt kết nối nhà ga metro số 1, phục vụ trung chuyển khách. Xung quanh các nhà ga metro (Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Công nghệ cao, Đại học Quốc gia) sẽ xây dựng trạm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe cá nhân... Riêng khu vực các nhà ga Bình Thái, Tân Cảng, Văn Thánh sẽ bố trí bãi đậu xe buýt rộng từ 1.000-4.100m².

Cùng với đó, dọc vỉa hè đường song hành Xa lộ Hà Nội cũng được thiết kế lối đi bộ để tạo thuận tiện cho người dân ra vào các ga. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM sẽ thiết lập hệ thống xe buýt trục chính, xe buýt nhánh, xe buýt gom nhằm đảm bảo người dân ở khu Đông thành phố có thể tiếp cận được các nhà ga metro bố trí dọc Xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt. Ông Lê Hoàn cho hay, khi metro số 1 hoạt động, ngoài 5 tuyến buýt trục chính bao phủ trục Xa lộ Hà Nội, sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhánh và 20 tuyến buýt gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách này tạo thành các đường “xương cá” kết nối vào các nhà ga metro. Ngoài ra, tuyến xe buýt chất lượng cao (thay thế tuyến BRT số 1) dài hơn 26km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ kết nối tuyến metro số 1 tại ga Rạch Chiếc.

Đặc biệt, tuyến metro số 1 được xây dựng bên phía tay trái Xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn về Đồng Nai), do đó việc giải quyết cho người dân nằm bên phía tay phải tiếp cận thuận tiện các nhà ga là việc hết sức cần thiết. Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư metro số 1) cho biết, sẽ tiến hành xây dựng 10 cầu vượt bộ hành trên Xa lộ Hà Nội và 1 cầu vượt bộ hành trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Chiều dài của cầu vượt khoảng 100m, rộng 3m và có mái che, chiếu sáng..., đáp ứng nhu cầu của người dân đi bộ đến các ga trong điều kiện mưa, nắng hoặc ban đêm. Dự kiến, các cầu này sẽ hoàn tất trong năm nay.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ket-noi-dong-bo-ha-tang-tuyen-metro-so-1-post675179.html