Kết nối giao thương khu vực miền Trung
Ngày 28.6, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức chương trình 'Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại'.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, miền Trung, gồm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là địa bàn chiến lược của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực đạt hơn 46,7 tỷ USD; trong đó xuất khẩu trên 22 tỷ USD, nhập khẩu gần 24,7 tỷ USD. Thanh Hóa dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của miền Trung còn thấp so với mục tiêu đề ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá, hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến... Tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc. Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi...
Để tạo bước chuyển mới mang tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò đặc biệt và khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, cần có những giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp…
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam Hường Văn Minh, hoàn thiện hạ tầng logistics được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hiện đại hóa lĩnh vực logistics. Trong đó, tiếp tục thu hút các tập đoàn có uy tín, năng lực kinh nghiệm đầu tư vào hạ tầng logistics; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo hướng áp dụng công nghệ 4.0. Tập trung phát triển nguồn nhân lực; đổi mới xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa Huỳnh Tấn Hải đề xuất, Bộ Công Thương xem xét, tham mưu Chính phủ ban hành chính sách cần thiết để phát triển dịch vụ logistics tại các địa phương, các vùng trên cả nước. Cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý phát triển dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp logistics, hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên sâu phục vụ trong hoạt động logistics. Kết nối, đẩy mạnh thu hút các tập đoàn doanh nghiệp lớn có uy tín, có năng lực đầu tư phát triển các trung tâm logistics.
Để tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng như của cả khu vực, Phó Giám Sở Công Thương Quảng Bình Phan Hoài Nam kiến nghị, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành trong việc kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng hệ thống cảng biển và hệ thống dịch vụ logistics. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp của các tỉnh về cơ chế chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, phí; các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, các quy định liên quan đến thương mại biên giới và cửa khẩu...