Kết nối giao thương tại Quảng Nam
Chiều 29/9, tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương giữa các chủ thể OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Nam với Tập đoàn Central Retail Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức với mục đích để các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá được sản phẩm, thương hiệu.
Tại hội nghi, đại diện lãnh đạo của Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, tập đoàn bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012, đến nay, tập đoàn đã có 340 cửa hàng; trong đó có 36 đại siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo đại diện của tập đoàn để đưa được sản phẩm vào chuỗi cửa hàng, các nhà sản xuất, chủ thể phải đảm bảo đầy đủ các thông tin, hồ sơ của sản phẩm như giấy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận VietGap, OCOOP,… Sau khi đã cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ sản phẩm thì tập đoàn sẽ về kiểm tra thực tế quy trình sản xuất của cơ sở.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã giới thiệu đến các đại biểu về quy cách nhập hàng tại các cửa hàng hoặc ở kho tổng, cũng như phương thức thanh toán sau 15 ngày, hoặc 7 ngày đối với các hộ nông dân,…
Đại diện của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã,… tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ mong muốn được tạo điều kiện để đưa các sản phẩm vào chuỗi cửa hàng của tập đoàn.
Chị Nguyễn Hồng Lê, Hợp tác xã sản xuất quế Trà My (huyện Bắc Trà My) mong muốn tập đoàn tạo điều kiện để hợp tác xã đưa 2 sản phẩm mới của hợp tác xã và nước rửa chén hương quế và nước lau sàn hương quế vào chuỗi của hàng của tập đoàn để cung ứng rộng rãi cho người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Hà, chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ ở huyện Tiên Phước, cho biết, rất mong muốn tập đoàn tạo điều kiện để đưa được sản phẩm tinh bột nghệ của cơ sở vào chuỗi của hàng của tập đoàn cung ứng cho thị trường, tập đoàn cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa các sản phẩm vào các cửa hàng của tập đoàn để cung ứng cho người dân.
Anh Hứa Đại Dương, Giám đốc Hợp tác xã Địch Yêu, kiến nghị sau hội nghị lần này, tập đoàn cần bố trí một bộ phận để kết nối với các chủ cơ sở, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp ở huyện Tiên Phước, bởi huyện có nhiều sản phẩm chất lượng đạt yêu cầu của tập đoàn. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng cần có một cơ chế đối với các chủ thể của Tiên Phước, để các chủ thể có điều kiện đưa các sản phẩm vào chuỗi cửa hàng của tập đoàn.
Theo chị Lương Thị Mỹ Trinh, Hợp tác xã nông nghiệp xanh thì tập đoàn cần có thêm một buổi làm việc trực tiếp với tập đoàn để bàn về các cách cung cấp, thanh toán,…
Trước ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOOP, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, các quy trình để đưa được sản phẩm vào chuỗi cửa hàng phải đúng pháp luật và quy định của tập đoàn. Các quy trình mà tập đoàn đưa ra không phải là để làm khó đối với các doanh nghiệp, chủ thể OCOOP, hợp tác xã,… mà để bảo vệ quyền lợi, sự phát triển lâu dài của người sản xuất trong thị trường Việt Nam và hướng đến thị trường thế giới.
Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện "Ngày hội sản phẩm miền núi Quảng Nam tại huyện Tiên Phước năm 2023" do Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Tiên phước tổ chức từ ngày 29/9 - 1/10./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-giao-thuong-tai-quang-nam/308171.html