Kết nối giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Singapore
Ngày 29/7, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore phối hợp với Sở Công thương các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore, Phòng Thương mại công nghiệp Singapore tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến giới thiệu các cơ hội đầu tư kinh doanh ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh Chính phủ điện tử, khai thác các nền tảng số và các ứng dụng công nghệ mạng cũng như thực hiện chức năng khuyến công, khuyến thương và đẩy mạnh thương mại điện tử, Sở Công Thương các tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tháo gỡ khó khăn về đầu vào nguyên liệu, đầu ra thành phẩm và hỗ trợ kết nối các nhu cầu về vốn, công nghệ, nhãn hiệu... Đây là sự kiện trực tuyến đầu tiên được thí điểm tổ chức cùng một lúc tại 3 điểm cầu ở 3 tỉnh tại Việt Nam để kết nối với điểm cầu Singapore.
Ở điểm cầu Singapore, có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong đó, hơn 50 doanh nghiệp yêu cầu được tham gia hoạt động kết nối 1-1 cùng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng với sự hỗ trợ phiên dịch từ Thương vụ Đại sứ quán. Do điều kiện kỹ thuật, Thương vụ Đại sứ quán phải hạn chế số lượng doanh nghiệp Singapore tham gia. Điều đó đã khẳng định sự quan tâm to lớn của doanh nghiệp Singapore đến thị trường Việt Nam và nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại các địa phương.
Về phía doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp có cơ hội thử nghiệm và làm quen với hình thức kết nối trực tuyến thay cho các hình thức tham gia xúc tiến thương mại truyền thống trước đây. Thậm chí, các doanh nghiệp có thể lựa chọn tham gia trực tiếp tại Hội trường của các tỉnh hoặc tự kết nối tại nhà qua Internet để tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng đã giới thiệu các mặt hàng thế mạnh, các lĩnh vực trọng điểm của ngành công thương và các tiềm năng, cơ hội đầu tư liên quan. Lâm Đồng là vùng cung cấp chè, cà phê lớn nhất, nhì Việt Nam; là vùng trồng rau, hoa chính của khu vực miền Nam. Ngoài ra, với khí hậu ôn đới và cảnh quan đặc thù, thành phố Đà Lạt là một điểm đến du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của Lâm Đồng cũng đã và đang được xuất khẩu sang Singapore, như: Rau, hoa, cà phê, khoáng sản và hàng dệt may.
Hiện tại, Singapore là quốc gia có số lượng nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thư tư ở Lâm Đồng, với 8 dự án và tổng số vốn đầu tư là 28 triệu USD. Hầu hết các dự án này thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dệt may. Mặc dù số lượng các dự án của Singapore ở Lâm Đồng không nhiều nhưng đây đều là những công ty đang sản xuất và kinh doanh rất tốt, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế ở Lâm Đồng. Hiện, toàn tỉnh đã có 22 doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu sang Singapore và đang có thêm 7 doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ kết nối để xuất khẩu.
Năm 2018 và 2019, thông qua sự hỗ trợ kết nối của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã đón nhiều doanh nghiệp Singapore đến thăm và tìm hiểu cơ hội kết nối giao thương trực tiếp; tuy nhiên, năm 2020 việc này bị trì hoãn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới, thương mại quốc tế bị đình trệ, chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế bị đứt gãy, Sở Công thương Lâm Đồng mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp Singapore biết đến Lâm Đồng là một vùng đất an lành, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, những doanh nhân Singapore đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và giao thương. Sở Công thương Lâm Đồng cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ thương mại bền chặt với các đối tác Singapore và mong rằng Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản – thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối ở Singapore.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Công thương cũng đã phổ biến các chủ trương, chính sách, quy hoạch của các ngành lĩnh vực công nghiệp; các cơ chế ưu đãi mới nhất dành cho các doanh nghiệp, hình thức trình chiếu video clips với các hình ảnh thực tế, sống động về các đặc sản, hạ tầng công nghiệp, năng lượng, giao thông… đã giúp các doanh nghiệp Singapore có sự hình dung cụ thể về các lợi thế và cơ hội đầu tư tại Lâm Đồng.
Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh có cơ hội tiếp cận với hình thức giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Singapore qua hình thức Chatroom theo lĩnh vực sản phẩm và theo nhu cầu kết nối; có sự hỗ trợ của phiên dịch. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hai bên đã có sự phản hồi rất tích cực về hiệu quả của mô hình giao thương trực tuyến này.
Sự phối hợp của Thương vụ và Sở Công thương 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận được các doanh nghiệp hai bên rất coi trọng vì đây là kênh bảo chứng cho việc kết nối được hiệu quả và có độ xác thực cao. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ sau sự kiện mà Thương vụ đề xuất cũng được các doanh nghiệp Lâm Đồng hoan nghênh vì sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử. Ngoài việc được trưng bày sản phẩm miễn phí tại showroom của Thương vụ, được hỗ trợ vận chuyển hàng mẫu…, các doanh nghiệp sẽ được tạo gian hàng ảo trên trang thông tin của Thương vụ để giúp tăng cường sự nhận diện sản phẩm ở Singapore.
Trong thời gian tới, Thương vụ tiếp tục làm việc với các đối tác trong nước và nước sở tại để làm phong phú thêm các loại hình hoạt động trực tuyến, tạo thêm cơ hội tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đóng tại nước sở tại để đối phó với tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng và góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch thương mại, vốn, công nghệ vào Việt Nam. Một số lĩnh vực đã có trong kế hoạch như: Kết nối ngành hàng đồ gỗ nội thất, thương mại điện tử, thực phẩm chế biến…
Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối trực tuyến, góp phần tạo thêm một phương thức mới để xúc tiến quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh của các địa phương, trong bối cảnh khó khăn chưa thể tổ chức các đoàn đi giao thương trực tiếp.