Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím

Quang cảnh diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” tại điểm cầu UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” tại điểm cầu UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Việt Nam có diện tích sản xuất hành, hành tím khoảng 14.000 - 15.000ha, tập trung tại các tỉnh: Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… trong đó hành tím được trồng chủ yếu tại Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, hành tím là sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh; hành tím đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Theo đó, hành tím trồng tập trung tại nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và một số xã tại huyện Trần Đề, với tổng diện tích hành tím được trồng hàng năm ước 6.500ha, trong đó diện tích hành tím trồng theo hướng hữu cơ hơn 1.148ha, tổng sản lượng hành tím hơn 90.000 tấn/năm.

Tại diễn đàn, đại biểu đã chia sẻ về tình hình xuất khẩu rau quả năm 2022; thị trường xuất khẩu hành - hẹ - tỏi của Việt Nam vào các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Anh, Đức…; cơ hội và thách thức với xuất khẩu sản phẩm hành; giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản hành; nhu cầu tiêu thụ hành tím của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước và xuất khẩu; tình hình sản xuất, tiêu thụ hành tím tại các hợp tác xã và bà con trồng hành tím ở tỉnh Sóc Trăng…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thông tin, sản lượng hành tại nước ta hơn 200.000 tấn/năm. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hành, hành tím chính vụ, đồng chí Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương trồng hành cần phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương trong phát triển sản xuất hành; phát triển vùng sản xuất hành tập trung; định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường; sản xuất hành theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm hành phục vụ thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới tiềm năng; kết nối doanh nghiệp với hộ sản xuất hành, tạo chuỗi cung ứng; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất hành để nâng cao năng suất, chất lượng hành…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/ket-noi-giao-thuong-xuc-tien-tieu-thu-hanh-hanh-tim-63937.html