Kết nối hạ tầng giao thông để phát triển - Kỳ 1

Kỳ 1: Kết nối Bình Dương và Đồng Nai

Năm 2023, để hoàn thành tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công. Tỉnh sẽ khởi công một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, ưu tiên các công trình giao thông kết nối, nhanh chóng đưa vào sử dụng các công trình sắp hoàn thành.

Bến phà Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, nơi dự kiến xây cầu Hiếu Liêm 2, kết nối với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Đáp ứng nhu cầu giao thương

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong liên kết vùng giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Qua khảo sát thực tế, để tăng cường kết nối giao thông, trên cơ sở nội dung buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 địa phương, các đơn vị thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé.

Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai. Trước đây, việc lưu thông qua lại chủ yếu bằng cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (quốc lộ 1K). Đến tháng 5-2010, cầu Thủ Biên, kết nối giữa TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chính thức được khánh thành. Cầu Thủ Biên là công trình do 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai làm chủ đầu tư với chiều dài 511m, rộng 17m, tổng kinh phí đầu tư hơn 162 tỷ đồng. Cầu Thủ Biên là công trình giao thông trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng. Đồng thời, đây cũng là một trong số các cây cầu được xây dựng trên tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh vùng Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên, huyện Vĩnh Cửu và cả vùng.

Tuy nhiên, do vị trí các cây cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng. Sau cầu Thủ Biên, mãi đến hơn 1 thập niên sau mới có thêm 1 dự án xây dựng cầu đường bộ kết nối giao thông được Đồng Nai và Bình Dương phối hợp triển khai. Ngày 27-12-2021, cầu Bạch Đằng 2 chính thức được khởi công xây dựng tại xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu).

Từ khi có những cây cầu này đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội đôi bên cùng phát triển. Khoảng hơn 10 năm trước khi đặt chân đến vùng đất Thường Tân và Lạc An vẫn còn thiếu sức sống, nhà cửa, dân cư khá thưa thớt, chưa có bóng dáng của những phố thị. Nhưng hiện nay, 2 xã Thường Tân và Lạc An đã “thay da đổi thịt”, dọc trên tuyến đường ĐT746 đã xuất hiện nhà cửa san sát, các khu chợ sầm uất. Chị Phan Thị Như, người dân xã Lạc An, chia sẻ: “Lạc An vốn là xã vùng xa, thuần nông của huyện Tân Uyên ngày trước, nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Dân cư thưa thớt, kinh tế chưa phát triển. Từ khi có cầu Thủ Biên đã tạo thuận lợi cho người dân nơi đây đi lại, trao đổi mua bán qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và ngược lại, góp phần phát triển đời sống kinh tế người dân”.

Xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên có lợi thế vùng chuyên canh cây có múi như cam, quýt, bưởi, sầu riêng… diện tích lên đến hàng ngàn hec ta. Mỗi ngày trung bình hàng trăm tấn trái cây của xã Hiếu Liêm được thu hoạch, vận chuyển đến các tỉnh thành lân cận, nhất là Đồng Nai, Lâm Đồng. Đồng thời, khối lượng phân bón được vận chuyển từ Đồng Nai đến các chủ vườn cây có múi của xã Hiếu Liêm với số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang phải vận chuyển qua các chuyến phà mỗi ngày, gây mất thời gian, đi lại khó khăn cho người dân và các tiểu thương.

Ông Trần Văn Trọng, chủ vườn cây có múi của xã Hiếu Liêm, cho biết: “Nếu có cây cầu được xây dựng nối từ xã Hiếu Liêm của huyện Bắc Tân Uyên qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân chúng tôi. Việc vận chuyển trái cây, hàng hóa sẽ không phải đi xa mà được rút ngắn quãng đường, thời gian vận chuyển, giảm chi phí, bảo đảm chất lượng hàng hóa”.

Thêm 4 cây cầu qua sông Đồng Nai, sông Bé

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong liên kết vùng giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Qua khảo sát thực tế, để tăng cường kết nối giao thông, trên cơ sở nội dung buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 địa phương, các đơn vị thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: Cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng, trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm bắc qua sông Đồng Nai nối xã Trị An với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Do đó, các ngành thống nhất bổ sung 1 vị trí để xây cầu Hiếu Liêm 2 bắc qua sông Bé kết nối xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Đối với cầu Tân An - Lạc An bắc qua sông Đồng Nai kết nối xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên với xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu sẽ có các điểm kết nối tại vị trí đường ĐT768 với đường Suối Ngang (xã Tân An), huyện Vĩnh Cửu với tuyến đường mở mới đến ĐT746 (định hướng kết nối vào ĐT745B). Quy mô dự kiến 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Cầu Tân Hiền - Thường Tân bắc qua sông Đồng Nai sẽ kết nối tại vị trí đường Hương lộ 6 (bến phà Bà Miêu 2) với đường mở mới đến đường tỉnh 746 (định hướng kết nối vào ĐH414).Quy mô dự kiến 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ).

Cùng với đó, cầu Thạnh Hội 2 vượt sông Đồng Nai có vị trí kết nối tại bến phà Bình Hòa (bờ tỉnh Đồng Nai) và bến phà Nhật Thạnh (bờ tỉnh Bình Dương). Đây là cầu đường bộ sẽ kết nối cù lao Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát hiện trạng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm 2, kết nối xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Dành thống nhất chủ trương, định hướng, vị trí, hướng tuyến xây dựng cầu. Đối với các quy trình thực hiện tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông - Vận tải, ban đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, cập nhật quy hoạch, khẩn trương lập báo cáo trên cơ sở đã khảo sát và hồ sơ đã có.

Ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng cầu Hiếu Liêm 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và giao thương hàng hóa của nhân dân, đẩy mạnh kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai nói chung, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu nói riêng. Xây dựng cầu Hiếu Liêm 2 sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ và bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời đây cũng là nguyện vọng của nhân dân xã hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên và xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu.

Cầu Hiếu Liêm 2 được xây dựng tại khu vực bến phà Hiếu Liêm nối liền xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay vị trí xây dựng cầu Hiếu Liêm đã được UBND huyện cập nhật vào dự thảo quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040 và cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn để đưa vào quy hoạch tỉnh theo quy định. (Còn tiếp)

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thương các khu công nghiệp phía TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ket-noi-ha-tang-giao-thong-de-phat-trien-ky-1-a289756.html