Kết nối hạ tầng thương mại biên giới với Campuchia
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.
Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ sẽ triển khai từ ngày 19/8/2020 đến khi Bản ghi nhớ hết hiệu lực vào tháng 10/2022.
Kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trong 3 năm tiếp theo nếu Bản ghi nhớ được gia hạn.
Theo Kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ;
Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia; xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới; chia sẻ thông tin và đào tạo…
Trong đó, trong giai đoạn 2021 – 2022, tiến hành khảo sát và thống nhất báo cáo Chính phủ hai Bên xây dựng ít nhất 1 chợ biên giới.
Đồng thời, triển khai các hoạt động khuyến khích thương nhân Việt Nam và Campuchia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới theo quy định;
Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thúc đẩy xây dựng phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia;
Hỗ trợ thương nhân tổ chức giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hóa tại chợ biên giới, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm hội chợ, triển lãm…
Trước đó, cuối năm 2019 Việt Nam đã xây tặng Campuchia công trình chợ biên giới kiểu mẫu có tên gọi Chợ Đa.
Dự án Chợ Đa được khởi công xây dựng từ ngày 16/1/2018 tại khu kinh tế đặc biệt Thary Tboung Khmum, làng Đa Kandorl, xã Đa, huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia, với diện tích 19.628 m2 .
Chợ Đa được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Campuchia.
Cùng với các công trình hợp tác khác, Chợ Đa là minh chứng rõ nhất thể hiện mong muốn của hai nước trong việc không ngừng gia tăng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, với mục tiêu từng bước đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột quan trọng trong hợp tác bền vững, lâu dài giữa hai nước.
Theo thống kê, biên giới Việt Nam – Campuchia có 10 tỉnh với 33 cặp cửa khẩu. Cụ thể:
Kon Tum: Cửa khẩu Đăk Kôi
Gia Lai: Cửa khẩu Lệ Thanh
Đăk Lăk: Cửa khẩu Đăk Ruê
Đăk Nông: Cửa khẩu Đăk Peur; Cửa khẩu Bu Prăng
Bình Phước: Cửa khẩu Hoa Lư; Cửa khẩu Hoàng Diệu; Cửa khẩu Lộc Thịnh; Cửa khẩu Tân Tiến; Cửa khẩu Tống Lê Chân
Tây Ninh: Cửa khẩu Mộc Bài; Cửa khẩu Xa Mát; Cửa khẩu Tân Nam; Cửa khẩu Kà Tum; Cửa khẩu Phước Tân; Cửa khẩu Chàng Riệc; Cửa khẩu Vạc Sa; Cửa khẩu Tà Nông
Long An: Cửa khẩu Bình Hiệp; Cửa khẩu Mỹ Quý Tây;
Đồng Tháp: Cửa khẩu Dinh Bà; Cửa khẩu Thường Phước; Cửa khẩu Sở Thượng; Cửa khẩu Thông Bình; Cửa khẩu Mộc Rá; Cửa khẩu Á Đôn; Cửa khẩu Bình Phú
An Giang: Cửa khẩu Vĩnh Xương; Cửa khẩu Tịnh Biên; Cửa khẩu Khánh Bình; Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông
Kiên Giang: Cửa khẩu Hà Tiên; Cửa khẩu Giang Thành.