Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với quốc tế
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang theo xu hướng mở, có sự liên kết với mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương trong nước và quốc tế.
Ngày 30/9, tại 5 điểm cầu TPHCM, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Dương và 2 điểm cầu tại Pháp và Hàn Quốc đã diễn ra sự kiện "Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế và chương trình liên minh đổi mới, hợp tác sáng tạo" do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ (KHCN), Cục Công tác phía nam (Bộ KH&CN) tổ chức.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở tại Việt Nam, đồng thời cũng là một bước tiến trong việc thực hiện nhiệm vụ "tổ chức các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển trên thế giới" thuộc Đề án 844 - "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Qua đó, góp phần kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế, liên kết mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương điển hình như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương và TPHCM...; kiến tạo các điểm kết nối toàn cầu, mở ra cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở quốc gia, làm cơ sở để tận dụng các cơ hội, xu thế, sức mạnh của thời đại để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kinh tế tri thức.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía nam (Bộ KH&CN), Việt Nam đang ở thời kỳ KHCN và đổi mới sáng tạo được coi là quốc sách hàng đầu, là xu thế để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Vì vậy, sự kiện nói trên hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành tư duy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương kết nối toàn cầu (các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo); xây dựng và kết nối mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư trong nước quốc tế với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng miền...
Đồng thời, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ KHCN và sản phẩm chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường, định hướng phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới cũng như đề xuất xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam qua 6 năm phát triển cùng với Đề án 844 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hệ sinh thái muốn lớn mạnh phải biết kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, đó là sự gắn kết giữa hệ sinh thái các vùng miền và kết nối với hệ sinh thái quốc gia với quốc tế.
Với vai trò là chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẵn sàng cung cấp các mạng lưới chuyên gia nước ngoài, đối tác quốc tế trong lĩnh vực có liên quan, cung cấp nguồn nhân lực và ươm tạo các nhóm start-up để chung tay phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của Việt Nam.
Tại điểm cầu Đà Nẵng, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng cho biết hiện Thành phố có 6 vườn ươm khởi nghiệp. Theo định hướng, trong thời gian tới Đà Nẵng cần thành lập thêm 8 -10 vườn ươm để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương.
Qua khảo sát, Sở KH&CN Đà Nẵng dự kiến sẽ hỗ trợ Trường Đại học Đông Á và Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch (Bộ KH&ĐT) triển khai thành lập 2 cơ sở ươm tạo, góp phần hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cho các sinh viên.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên Thành phố đã diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Qua các cuộc thi, sự kiện khởi nghiệp, sinh viên đã thể hiện nhiều ý tưởng có giá trị về mặt công nghệ, tính khả thi cao và có thể tiếp tục ươm tạo, phát triển thành các dự án khởi nghiệp thành công, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số. Đây là tiền đề để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Sự kiện "Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế và chương trình liên minh đổi mới, hợp tác sáng tạo" lấy đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp khởi nghiệp, các thành phần hệ sinh thái làm trung tâm và luôn bám sát thực tiễn.
Sự kiện gồm nhiều hoạt động, trong đó có hội nghị khởi nghiệp sáng tạo tại 5 tỉnh, thành phố Việt Nam, kết nối online các hội nghị khởi nghiệp sáng tạo giữa các tỉnh thành với nhau và với các nước như Pháp, Hàn Quốc, Australia, Singapore; diễn đàn “Thị trường vốn quốc tế cho đổi mới sáng tạo mở”; ký kết và công bố hợp tác đầu tư; triển lãm khởi nghiệp giới thiệu các sản phẩm, dự án khởi nghiệp...