Kết nối hiệu quả hơn nữa giữa các thành phố thông minh trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN
Đây là thông điệp được PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP. HCM chia sẻ tại buổi họp mặt kỷ niệm 27 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 55 năm ngày thành lập ASEAN vào trưa ngày 5/8/2022.
Ngày 28/7/2022 vừa qua đúng tròn 27 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Sau Việt Nam là lần lược là các nước Lào, Myanmar (1997) rồi Campuchia (1999) đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN. 27 năm là khoảng thời gian không phải là quá dài so với lịch sử nhưng thiết nghĩ có thật nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam và với cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong bước đường xây dựng cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025.
Từ "hiệp hội" đến hiện thực hóa "cộng đồng" là con đường mà các nước ASEAN đã chọn trong tiến trình nhất thể hóa Đông Nam Á: rất cần sự hiểu biết – tin tưởng, chia sẻ và hợp tác giữa các nước thành viên trong nội khối, cũng như thúc đẩy và phát triển mối quan hệ với các nước trên thế giới vì hòa bình, đoàn kết và phát triển bền vững. Đại dịch Covid-19 vừa qua ở một góc nhìn nào đó có thể nói như một phép thử chứng minh cho tinh thần ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (đây cũng là khẩu hiệu Việt Nam đề ra trong năm 2020).
Từ một khu vực với những chia rẽ, khác biệt, ngày nay ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết đang phát triển mạnh mẽ, từng bước vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, bất ổn nội bộ ở một số nước, bên cạnh đó còn có thách thức an ninh phi truyền thống như suy giảm kinh tế do dịch bệnh, khoảng cách giàu nghèo, biến đổi khí hậu,…
Rõ ràng rằng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước nhưng qua những kết quả tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, bản lĩnh vượt qua thách thức, thành tựu phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tất cả các nước thành viên, thành công trong việc xây dựng uy tín trong mối quan hệ đối ngoại với các nước,... giúp chúng ta có thể khẳng định rằng: kể từ ngày thành lập (8/8/1967) đến nay ASEAN đã thực sự là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại, hợp tác và liên kết giữa các nước thành viên cũng như mở rộng hợp tác, phát triển toàn diện ở khu vực Đông Á và Châu Á-Thái Bình Dương.
Với mong ước và cùng chia sẻ về một khu vực hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển, với bề dày kinh nghiệm và độ trưởng thành 55 năm, với tinh thần đoàn kết và khả năng ứng xử linh hoạt, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng ASEAN đã và đang "hành động cùng ứng phó với các thách thức" như khẩu hiệu Campuchia – Quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã khởi xướng trong năm 2022,"Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững" (Khẩu hiệu ASEAN 2019 của Thái Lan), "Hợp tác để thay đổi, hội nhập thế giới" (Khẩu hiệu ASEAN 2017 của Philippines) để "Biến Tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động" (Khẩu hiệu ASEAN 2016, Lào) tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Trong đó có việc kết nối hiệu quả hơn nữa giữa các thành phố thông minh trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN như sáng kiến của Singapore năm 2018, phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số (sáng kiến của Việt Nam năm 2020) bởi khi "chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng, chúng ta sẽ thịnh vượng" (Khẩu hiệu ASEAN 2021 của Brunei Darusalem) vì "Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta." (Khẩu hiệu ASEAN 2015, Malaysia) hướng tới "Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu" (Khẩu hiệu ASEAN 2011, Indonesia) vì mục tiêu "Một tầm nhìn – một bản sắc – một cộng đồng" (Khẩu hiệu chung của ASEAN).