Kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trên đa lĩnh vực
Chiều ngày 12/5, Diễn đàn 'Giao lưu doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam' đã được tổ chức dưới sự phối hợp giữa Đại sứ quán Ấn Độ và Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế (Invest Global)....

Ông Chinpau Ngaihte, Tham tán Kinh tế -Thương mại và Đối tác Phát triển, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn “Giao lưu doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam” vào chiều ngày 12/5 tại Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp phái đoàn gồm 25 doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, cùng với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Chinpau Ngaihte, Tham tán Kinh tế - Thương mại và Đối tác Phát triển, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, khẳng định sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1972, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, chính trị đến kinh tế.
Ông Ngaihte cho biết một trong những trụ cột quan trọng nhất hiện nay là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cần tăng cường mạnh mẽ hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn, đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng song phương, như y tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ thông tin (IT), sản xuất linh kiện- phụ tùng ô tô, khai khoáng và năng lượng tái tạo, ...
Những lĩnh vực này không chỉ giúp hai nước tận dụng thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Ấn Độ đã đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2024. Hai quốc gia cũng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD trong những năm tiếp theo, thông qua việc mở rộng giao thương, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu, và kết nối chặt chẽ hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp quốc gia.
Vào thời gian tới, ông Ngaihte đề xuất doanh nghiệp của hai quốc gia cần tiếp tục tận dụng thế mạnh của hai bên để đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực trọng điểm.
“Trong đó, việc Việt Nam chính thức thông qua Quy hoạch điện 8 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên nước, phát triển hạ tầng chống chịu thiên tai”, ông nhấn mạnh.

Đại diện phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam.
Tương tự, ông Bùi Trọng Thoan, Phó Tổng Giám đốc Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế (Invest Global), nhận định Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện qua những bước đi chiến lược nhằm mở rộng thị trường nội địa, hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ - một đối tác có tiềm lực mạnh về công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực, càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược.
“Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ đang hoạt động như y tế, nông nghiệp, thủy lợi… cũng chính là những ngành nghề mà doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với những quốc gia có nền tảng khoa học - công nghệ phát triển mạnh như Ấn Độ”, ông Thoan chia sẻ.
Về phía phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, bà Rekha Sharma, Nhà sáng lập, Đơn vị Hỗ trợ Nghiên cứu và Quảng bá (MARS) (Ấn Độ), cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), trí tuệ nhân tạo (AI), nội thất, khai khoáng… Đây là những ngành mà cả hai bên đều có thế mạnh và nhu cầu kết nối cao.
“Tôi tin rằng Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Ấn Độ tại khu vực Châu Á, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động như hiện nay”, bà nói.
Nhấn mạnh thêm về vai trò của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), TS. Jitendra Joshi, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Toàn cầu Ấn Độ (GIBF), cho rằng hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam được thúc đẩy bởi nền tảng nhân khẩu học trẻ, lực lượng lao động dồi dào và đặc biệt là sự tương đồng trong cấu trúc kinh tế, với tỷ trọng cao của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Theo ông Joshi, ở bất kỳ nền kinh tế nào, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là động lực phát triển vững chắc nhất và sự vững mạnh của khối doanh nghiệp này chính là yếu tố then chốt tạo nên sự tăng trưởng bền vững. “Đây chính là mắt xích quan trọng cần được hai quốc gia tập trung hỗ trợ, kết nối sâu rộng hơn trong thời gian tới”, ông nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn gặp phải những vấn đề khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, rào cản ngôn ngữ, đặc biệt là hạn chế trong sử dụng tiếng Anh tại Việt Nam, đang là một trở ngại đối với doanh nghiệp Ấn Độ trong quá trình hợp tác.
Vì vậy, ông Joshi kiến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy, đào tạo tiếng Anh cho thế hệ trẻ và người lao động để tăng cường khả năng hội nhập và kết nối quốc tế, cũng như tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Ấn Độ có thể gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
“Việt Nam và Ấn Độ không chỉ là hai quốc gia có mối quan hệ thân thiết, mà còn đang từng bước trở thành những đối tác kinh doanh tốt nhất của nhau”, ông Joshi khẳng định.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế (Invest Global) và Đơn vị Hỗ trợ Nghiên cứu và Quảng bá (MARS) tại diễn đàn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế (Invest Global) và Đơn vị Hỗ trợ Nghiên cứu và Quảng bá (MARS) của Ấn Độ cũng đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy kết nối thương mại, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung về một mối quan hệ đối tác bền chặt và thực chất hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới.
Đồng thời, các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam tại diễn đàn đã tham gia phiên kết nối giao thương trực tiếp (B2B), nhằm trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, từ đó mở ra cơ hội hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2024, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào 48 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 86,69 triệu USD. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2025, Ấn Độ đang đầu tư vào 441 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,07 tỷ USD; xếp thứ 25 trên tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có đầu tư tại Việt Nam.