Kết nối hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục Đại học Việt Nam

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) phối hợp với Mạng lưới ĐMST và khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đồng tổ chức Hội thảo 'ĐMST và khởi nghiệp trong giáo dục Đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác'. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 5 năm ngày thành lập NIC và Ngày hội ĐMST Viêt Nam 2024.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng với hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện chia sẻ các mô hình đại học tiên tiến trong việc phát triển ĐMST và khởi nghiệp. Sự kiện nhằm mục đích thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST trong các trường đại học, cao đẳng, góp phần tạo ra môi trường hỗ trợ mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục. Đây cũng là dịp để các trường học, doanh nghiệp và cơ quan chính sách gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình đại học sáng tạo, qua đó nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tổng thể về ĐMST trong khu vực đại học cũng như góc nhìn quốc tế về Việt Nam và ĐMST ở Việt Nam hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng to lớn về ĐMST với các biện pháp quyết liệt, đẩy mạnh ĐMST của Chính phủ, nhất là việc hình thành phát triển NIC như một biểu tượng thành công của ĐMST hướng tới tương lai.

Theo TS. Sarah Mamiese, Giám đốc AFD Campus, Cơ quan phát triển Pháp, đổi mới là yếu tố quyết định trong bối cảnh cả thế giới đang tìm kiếm giải pháp để phát triển hiệu quả bền vững, phát triển kinh tế mà không gia tăng tác động đến môi trường. Hiện nay, các định hướng kinh tế tuần hoàn có thể cho phép dung hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và nhân loại… Do đó, việc tiến hành hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng tiếp cận đổi mới để tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, tránh bẫy đổi mới và làm chủ đổi mới vì một tương lai tốt đẹp là hết sức cần thiết.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn manh, sứ mệnh của đại học là đào tạo, nghiên cứu và ĐMST, trong đó ĐMST phải dựa trên nền tảng vững chắc, là kết quả của việc nghiên cứu cộng với khả năng thương mại hóa.

Vì vậy, TS. Nguyễn Trung Dũng đề xuất, có thể đưa các lãnh đạo của các trường Đại học của Việt Nam đi thăm quan, khảo sát thực tế các mô hình ĐMST của các trường Đại học trên thế giới để thấy được tính thiết thực cũng như hiệu quả của ĐMST trong Đại học, gắn bó thiết thân với mục tiêu phát triến kinh tế - xã hội quốc gia.

Học sinh, sinh viên háo hức tham dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: M. Thúy

Học sinh, sinh viên háo hức tham dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: M. Thúy

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, về mặt chính sách, TS. Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trên thực tế, ĐMST không chỉ phụ thuộc vào cá nhân mà còn phụ thuộc vào tập thể lãnh đạo cùng môi trường của cả hệ thống. Do đó, cần nghiên cứu thống kê lại trong hệ thống giáo dục Đại học hiện nay, bao nhiêu cơ sở có điều kiện triển khai ĐMST trong giáo dục và có những cơ sở nào có điều kiện mà không triển khai ĐMST. Từ đó mới có được cái nhìn tổng thể, đa chiều về ĐMST trong các trường Đại học hiện nay, góp phần điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý.

Theo ông Trần Tú Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tới sẽ ban hành 2 Đề án về “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” và “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0”. Hai đề án này đều hướng tới việc chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn, trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường Đại học cần chú trọng tới việc thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên; Tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng của các vườn ươm công nghệ; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động…, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng bền vững, "tô đậm màu" cho bức tranh ĐMST của Việt Nam trên bản đồ thế giới.../.

VNEI ra đời vào năm 2022, dưới sự bảo trợ của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động ĐMST trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực toàn diện cho cơ sở giáo dục và đào tạo.

Từ 13 thành viên đầu tiên, hiện nay số lượng thành viên chính thức của VNEI đã lên đến 71 thành viên là các Trường Đại học, Cao đẳng và các Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp trực thuộc Trường, được định hướng trở thành nền tảng kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp và cơ quan chính sách nhằm phát triển năng lực và đẩy mạnh hợp tác trong ĐMST và khởi nghiệp

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ket-noi-hop-tac-ho-tro-thuc-day-doi-moi-sang-tao-trong-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-35170.html