Kết nối hợp tác xã và nông dân: Cùng có lợi

Có đất trồng chè nhưng cho hợp tác xã thuê, sau đó lại làm thuê cho HTX - đó là cách làm của nhiều hộ nông dân xã Ôn Lương (Phú Lương). Mô hình này đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Công việc ổn định tại Hợp tác xã nông sản Phú Lương đã giúp nhiều người dân không phải ly hương, có thời gian chăm lo cho gia đình.

Công việc ổn định tại Hợp tác xã nông sản Phú Lương đã giúp nhiều người dân không phải ly hương, có thời gian chăm lo cho gia đình.

Chúng tôi có dịp đến thăm HTX nông sản Phú Lương ở xóm Khau Lai, xã Ôn Lương (Phú Lương). Sau chén trà nóng cùng Giám đốc Tống Văn Viện và một số thành viên trong HTX, chúng tôi được dẫn ra thăm khu vực trồng chè của đơn vị. Hỏi thăm mới biết, rất nhiều lao động tại đây là chủ của những vườn chè này nhưng đã cho HTX thuê lại.

HTX nông sản Phú Lương thành lập năm 2020, với 7 thành viên, ngành nghề đăng ký là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè và liên kết chế biến, tiêu thụ một số nông sản khác như: miến gạo, điều, mắc ca... Riêng với chè, trong năm 2023, HTX cung cấp ra thị trường trên 40 tấn chè búp khô, với giá bán từ 200 nghìn đến 4 triệu đồng/kg.

Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, HTX thuê lại 6ha chè của 20 hộ dân trong xã; sau đó thuê chính các hộ dân chăm sóc chè theo tiêu chuẩn của đơn vị. Mọi chi phí như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều được HTX chi trả. Sau đó HTX sẽ thu mua lại chè của người dân. Trong quá trình chăm sóc và thu hái, người dân được HTX trả lương theo tháng hoặc theo giờ, ngày công.

Việc vừa cho thuê đất, vừa làm thuê cho HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Gia đình ông Tống Quốc Đổng, xóm Xuân Trường, có 5 sào chè cho HTX thuê đã hơn 1 năm. Ông Đổng chia sẻ: Sau khi cho HTX thuê vườn, vợ chồng tôi lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Công việc hằng ngày là làm cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hái, đóng gói chè... Một tháng, lương trung bình của tôi được 7 triệu đồng, còn vợ khoảng 6 triệu đồng. Nếu cộng thêm tiền từ việc bán chè tươi cho HTX nữa thì tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng gần 20 triệu đồng.

Còn ông Phan Văn Hà cùng ở xóm Xuân Trường cho biết: Gia đình tôi cũng có 5 sào chè cho HTX thuê. Tính tổng tiền bán chè tươi cho HTX, tiền công làm vườn và thu hái, trung bình mỗi tháng gia đình tôi được khoảng 15 triệu đồng. Nếu so với gia đình tự sản xuất trước đây thì thu nhập khi cho HTX thuê lại cao gấp 3 lần.

Được biết, hầu hết các hộ có đất cho HTX nông sản Phú Lương thuê đều tham gia lao động cho HTX. Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện nay, HTX có 50 lao động, trong đó 30 lao động làm việc thường xuyên. Tùy từng vị trí công việc mà người lao động được trả lương theo tháng hoặc theo ngày. Trung bình lương một tháng của người lao động giao động từ 4-8 triệu đồng/người, còn làm việc theo tiếng được trả từ 18-20 nghìn đồng/tiếng. Hiện nay, tổng số tiền HTX chi trả mỗi tháng cho người lao động gần 300 triệu đồng.

Ông Đào Quốc Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ôn Lương, cho biết: Mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân trong xã, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác. Chúng tôi đang tạo mọi điều kiện để HTX mở rộng sản xuất, qua đó nhằm giải quyết được nhiều việc làm hơn, để người dân không phải ly hương nhưng vẫn có thu nhập cao trên chính đồng đất của mình.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/ket-noi-hop-tac-xa-va-nong-dan-cung-co-loi-c6113f9/