Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Cùng đồng hành vượt khó
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chiều nay (21-9), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
Chiều 21-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Tăng trưởng tín dụng đạt 10,35%
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Hà Thu Giang cho biết, đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc là 5,56%, cao hơn mức tăng của vùng Đồng bằng sông Hồng là 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, sau thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ cấu tín dụng tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 11,3%. Một số ngành dịch vụ có dư nợ lớn, mức tăng trưởng cao là: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải kho bãi; hoạt động dịch vụ khác... Tiếp đó là tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 8,5%.
Các ngân hàng thương mại đã tập trung cung ứng tín dụng đối với một số dự án giao thông trọng điểm, quan trọng của Thủ đô với tổng hạn mức cấp tín dụng là 12.468 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với gần 39.000 tỷ đồng (chiếm hơn 32% tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu toàn hệ thống) cho hơn 87.000 lượt khách hàng trên địa bàn (chiếm hơn 70% tổng số lượt khách hàng toàn hệ thống).
"Tính đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, cao hơn tăng trưởng các năm trước", bà Hà Thu Giang thông tin.
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, sau 4 lần giảm liên tiếp, mặt bằng lãi suất đã giảm 0,5 - 2%/năm. Các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, vốn của nền kinh tế lại phụ thuộc phần lớn vào ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.
Trong bối cảnh đó, 8 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội ở mức cao so với các tỉnh, thành trên cả nước. Tỷ lệ vốn FDI, tăng trưởng tín dụng đều tốt. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 10,6%, gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là cơ hội để nhìn lại các nỗ lực đã làm được, tìm ra hạn chế, khó khăn, từ đó có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội chia sẻ: “Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với 1 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí, có những khoản mất tới 6 tháng hoặc dài hơn”.
Ông Lê Vĩnh Sơn đề xuất, các ngân hàng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quy trình phê duyệt và gắn KPI, bao gồm thời gian phê duyệt của từng bộ phận chuyên môn để rút ngắn thời gian phê duyệt với tất cả các khoản vay. Đồng thời, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm (nếu có) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường, có thời gian thu xếp nguồn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, ngành Ngân hàng đã có sự hỗ trợ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế, góp phần lớn vào sự tăng trưởng của thành phố.
Với hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội cao so với mặt bằng của cả nước, giải ngân đầu tư công cũng đã đạt 53%, thu ngân sách đã đạt mức cao, khoảng 83%, cho thấy sự nỗ lực lớn của cả ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phần mình, chính quyền Hà Nội nhận thức trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, sát sao ngay từ đầu năm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, trong đó có những dự án dừng triển khai 6-7 năm. Đến thời điểm này, thành phố đã có hướng phân loại, xử lý, giải quyết căn cơ về thủ tục để tạo điều kiện cho dự án được tiếp tục triển khai. Thành phố cũng thành lập tổ công tác để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn; đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.