Kết nối người dân xây dựng cảnh quan, giúp người khó khăn
Thời gian qua, MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh cùng các tổ chức thành viên đã kết nối hiệu quả với người dân để xây dựng cảnh quan khu dân cư, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
Điều này đã góp phần huy động hiệu quả sức dân vào quá trình phát triển của địa phương, giảm gánh nặng về ngân sách trong việc chăm lo cho người yếu thế.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực
Huyện Vĩnh Cửu có 1/4 trong tổng số hơn 170 ngàn người trên địa bàn là đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số; gần 80% diện tích của huyện là đất rừng và lòng hồ Trị An; nhiều khu dân cư sống tiếp giáp với bìa rừng, lòng hồ hoặc bên trong 2 khu vực này. Do vậy, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được Mặt trận huyện cùng các tổ chức thành viên triển khai thực hiện nhằm vận động nhân dân không xả thải ra môi trường tự nhiên, tham gia cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng, giữ sạch hồ nước.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các xã, trường học trên địa bàn đã thành lập các câu lạc bộ xanh. Bằng hành động dọn vệ sinh nơi công cộng, trồng cây xanh trong khu dân cư…, những câu lạc bộ này đã trực tiếp tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ môi trường.
Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 296 mô hình bảo vệ môi trường ở khu dân cư được xây dựng và duy trì hoạt động. Hầu hết những mô hình này đều có sự chung tay, tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ khu phố 1, thị trấn Vĩnh An) cho hay, vợ chồng ông có quán nước nhỏ ven hồ Trị An và bè cá tại hồ này. Thông qua việc tuyên truyền của MTTQ huyện và thị trấn, cùng các câu lạc bộ xanh, trong quá trình buôn bán, gia đình ông chủ động thu gom chai lọ và rác do khách đến ăn uống bỏ lại, chứ không để trôi nổi trên mặt hồ.
Ngoài ra, MTTQ các cấp tại huyện Vĩnh Cửu, nhất là địa bàn tiếp giáp lòng hồ, có khu dân cư trên các làng bè giữa lòng hồ, đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng ngư cụ cấm.
Riêng với thành phố Long Khánh, 45,8% trong tổng số hơn 168 ngàn người dân tại đây là đồng bào có đạo và 10% dân số là đồng bào thuộc 12 dân tộc thiểu số. Thời gian qua, thành phố đã xây dựng có hiệu quả các mô hình đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bảo Vinh Nguyễn Thị Sao, địa phương có khu đồng bào Chơro sống tập trung, nhiều cơ sở tôn giáo cũng có mặt trên địa bàn. Do vậy, Mặt trận đã xây dựng mô hình chùa Minh Trí, nhân dân tổ 2, khu phố Suối Chồn tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tuyến đường kiểu mẫu. Qua đó, có 29 thành viên là phật tử nhà chùa đóng vai trò nòng cốt trong vận động phát quang bụi rậm, trồng cây tạo cảnh quan.
Ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào Chơro của phường, cho biết qua tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhà nào có chăn nuôi cũng bố trí chỗ thu gom chất thải và xử lý tốt nhất theo khả năng của gia đình. Điều này góp phần giảm mùi hôi trong chăn nuôi, nước thải không chảy tràn ra mặt đường giao thông như trước kia và xây dựng cảnh quan tốt hơn.
Tích cực trợ giúp người dân
Cùng với bảo vệ môi trường, MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên cùng cấp đã xây dựng nên nhiều mô hình an sinh xã hội hiệu quả.
Hiện thành phố Long Khánh duy trì hiệu quả mô hình Quán cơm 2 ngàn đồng. Mới đây, mô hình này đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chọn tuyên dương là điển hình trong thực hiện công tác an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Loan, người gầy dựng mô hình, cho hay quán phục vụ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với 100-150 suất ăn. Ngoài ra, quán ăn còn bố trí mỗi ngày từ 100 phần ăn trở lên để chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn. Quán ăn duy trì nhiều năm qua là nhờ đã kết nối được mạnh thường quân từ nhiều nơi, nhiều tôn giáo cùng tham gia.
MTTQ Việt Nam các cấp tại thành phố cũng dành nhiều sự động viên, quan tâm và khuyến khích các cơ sở tôn giáo cùng mở rộng vòng tay trợ giúp những người sống lang thang, cơ nhỡ, trẻ mồ côi nhằm huy động sức dân giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Mới đây, MTTQ Việt Nam thành phố đã tuyên dương thượng tọa Thích Giác Đăng, trụ trì tịnh xá Ngọc Xuân, vì đã tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội.
Thượng tọa Thích Giác Đăng cho hay, năm 2019, ông đảm nhận việc chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa. Ngoài ra, thông qua giới thiệu của MTTQ Việt Nam phường, nhà chùa duy trì trợ giúp hàng tháng cho 20 trường hợp tại cộng đồng. Thời gian qua, những hoạt động đạo - đời của chùa đều có sự quan tâm, hỗ trợ của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chính quyền địa phương.
Còn tại huyện Vĩnh Cửu, trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam huyện đã vận động được 4,5 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo. Qua đó, quỹ đã tổ chức xây dựng và bàn giao 101 căn nhà tình thương, sửa chữa 55 căn nhà khác. Đây là con số rất ấn tượng trong quá trình xây dựng mái ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.