Kết nối nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam
Tháng 8-2024 này, cả nước kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2024). Đây cũng là thời điểm Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều hoạt động để chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam cũng như gia đình họ.
Dịp này, ông MAI VĂN NHỎ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đã có chia sẻ với Báo Đồng Nai về những nhiệm vụ, giải pháp sắp tới trong việc chăm lo, hỗ trợ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo triển khai chính sách đúng - đủ - kịp thời
Ảnh hưởng của chất độc da cam đối với người dân Đồng Nai ra sao, thưa ông?
- Trong chiến tranh, Đồng Nai là một trong những tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề với gần 10 triệu lít chất độc hóa học đã phun rải trên 56% tổng diện tích của tỉnh (khu vực miền Nam bị phun rải hơn 80 triệu lít). Riêng Sân bay Biên Hòa là kho lưu trữ, nạp chất dioxin lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau phun rải hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin rất nặng.
Tỉnh có gần 14 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hiện trên 9 ngàn trường hợp còn sống và họ đang bị bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật. Những nạn nhân chất độc da cam này đang sinh sống tại 5,5 ngàn gia đình. Trong số này có đến 3,3 ngàn gia đình có từ 2 đến 5 nạn nhân chất độc da cam và số gia đình còn lại có 1 nạn nhân chất độc da cam.
Mỗi cá nhân, tập thể ủng hộ trợ giúp nạn nhân chất độc da cam xin gửi về: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, số 186, Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, số điện thoại: 02513.949.497 hoặc chuyển vào tài khoản của Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai số 0121000649333 tại Ngân hàng Ngoại thương Đồng Nai.
Việc triển khai chính sách của Nhà nước dành cho nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trước hết, để không bỏ sót người hưởng chế độ, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan đã có sự rà soát, cập nhật danh sách và phân loại đối với từng trường hợp cụ thể. Qua đó, 1.728 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách. Còn số nạn nhân là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chính sách là 599 người. Đồng thời, gần 3 ngàn trường hợp nạn nhân chất độc da cam là dân thường được hưởng trợ cấp xã hội. Cùng với đó, người trực tiếp chăm sóc nạn nhân chất độc da cam cũng được Nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng.
Ngoài ra, Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Định Quán) là nơi thường xuyên điều dưỡng, phục hồi chức năng từ 15-23 nạn nhân chất độc da cam. Đây hiện là cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam duy nhất trên địa bàn tỉnh với kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Quá trình triển khai Chỉ thị số 43- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 33 của Thường trực Tỉnh ủy nhằm thực hiện Chỉ thị 43 của Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” tại Đồng Nai ra sao, thưa ông ?
- Hiện toàn tỉnh có 156/170 xã, phường, thị trấn xây dựng được Hội hoặc Chi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Riêng 14 xã, phường còn lại do ít hoặc không có nạn nhân chất độc da cam nên không thành lập tổ chức hội.
Các cấp hội đã tích cực phát triển hội viên và củng cố chất lượng hoạt động của các cấp hội. Hiện tổng số hội viên trong tỉnh là gần 7,6 ngàn người. Ngoài các hội viên chính thức là nạn nhân, cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo hội còn có 603 hội viên danh dự là lãnh đạo chính quyền các cấp.
Huy động sức mạnh cộng đồng
Thưa ông, cùng với đảm bảo triển khai đúng - đủ - kịp thời chính sách nhà nước, thời gian qua hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã làm gì để kết nối nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình họ?
- Những năm qua, việc chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi năm có từ 6-8 tỷ đồng (tiền và hiện vật) được đóng góp thông qua tổ chức hội các cấp để trợ giúp nạn nhân chất độc da cam. Như trong 6 tháng qua, đã có trên 6,2 tỷ đồng (tiền và hiện vật) được đóng góp thông qua hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, đạt 104% mục tiêu đề ra.
Để xây dựng niềm tin của bên ủng hộ cũng như bên đón nhận, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cam kết nguồn lực đóng góp đến đúng với đối tượng thụ hưởng. Theo đó, nguồn lực này được các cấp hội sử dụng để thăm, tặng quà trong các dịp lễ, Tết; xây nhà nhân ái; hỗ trợ vốn sản xuất và vật nuôi; cấp học bổng cho học sinh; trợ cấp thường xuyên hàng tháng; trợ cấp khó khăn, đột xuất và thăm ốm đau… dành cho nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam.
Ông có thể cho biết, nguồn lực xã hội này đến từ những địa chỉ nào?
- Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã thu hút được sự quan tâm, chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Trước hết, gia đình nạn nhân chất độc da cam là trường hợp ưu tiên được các khối, cụm thi đua trong tỉnh chọn xét để trợ giúp xây dựng nhà ở hàng năm.
Hay đang có 100 cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cũng như ngoài nước tham gia trợ cấp hàng tháng cho 314 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Số tiền mà mỗi nạn nhân da cam nhận được hàng tháng từ sự trợ giúp này dao động từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Trong số này, Hội Hữu nghị Bỉ - Việt đã ủng hộ nuôi dưỡng trợ cấp thường xuyên cho 4 nạn nhân chất độc da cam. Một cá nhân thuộc Đoàn Trường Sơn - Hội Người Việt Nam tại Bỉ đã ủng hộ nuôi dưỡng, trợ cấp thường xuyên cho 1 nạn nhân ở thành phố Biên Hòa...
Trong Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp sẽ có hoạt động trọng tâm nào để thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, thưa ông?
- Ngay từ giữa tháng 6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phát động và có thư ngỏ để thực hiện Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam (từ ngày 1 đến ngày 31-8). Nội dung trọng tâm của hoạt động này gắn với tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hại của chất độc da cam, sự ảnh hưởng của chất hóa học này đến sức khỏe, thể trạng người Việt Nam. Đồng thời, các cấp hội sẽ tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà, trao vốn hỗ trợ tạo việc làm, tặng học bổng… cho nạn nhân chất độc da cam và thân nhân họ.
Trong đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh sẽ tặng 636 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam với mỗi phần quà trị giá 800 ngàn đồng. Ngoài ra, mỗi hội cấp huyện sẽ vận động quà để hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với giá trị phần quà từ 800 ngàn đồng trở lên.