Kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Chủ trương kết nối những nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các địa phương đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Tính cấp thiết của chương trình
Chiều 22/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Kế hoạch số 29). Tới dự có đại diện một số Vụ/Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT cùng các đại biểu khách mời.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục đào tạo và ban hành nhiều chính sách, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngành Giáo dục cũng nhận được sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế cùng với ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện nay vẫn còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất như: Thiếu phòng học; thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp, không đạt chuẩn; thiếu sân chơi, bãi tập.
Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ em, học sinh nghèo vẫn còn thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập. Mặt khác môi trường sống tại gia đình, cộng đồng và trường học còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, học sinh.
Tỷ lệ trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích, đuối nước ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn còn khá cao. Tình trạng bạo lực học đường, ứng xử chưa văn hóa trong học sinh vẫn còn xảy ra một số địa phương, cơ sở giáo dục đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và học sinh.
Chương trình kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025 đã được phát động với mong muốn phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự chung tay của cộng đồng và xã hội để cùng nhau hiện thực hóa những điều ước của các thầy cô, các em học sinh tại các vùng miền khó khăn.
Chương trình đã kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 6 nhóm nhu cầu bức thiết hiện nay gồm: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh gồm sách vở, dụng cụ học tập, quần áo; hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh như sân chơi, dụng cụ tập luyện.
Còn đó những khó khăn
Đại diện Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà đánh giá, đây là chương trình có phạm vi hoạt động rất rộng. Doanh nghiệp này cam kết, năm 2024 sẽ tiếp tục đồng hành để thúc đẩy chương trình kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện trên cơ sở phù hợp với nguồn lực của đơn vị.
Từ đầu cầu Lạng Sơn, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, toàn tỉnh có 660 trường với trên 20.000 giáo viên, khoảng 209.000 học sinh, số học sinh dân tộc chiếm 88%. Sở GD&ĐT đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để ban hành kế hoạch triển khai chương trình, bước đầu đã thu hút được nhà đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã huy động được các nguồn lực, các em học sinh khó khăn đã được hỗ trợ trên 33 tỷ đồng, người dân tự nguyện hiến gần 9.700m2 đất để xây dựng trường học. Ngành Giáo dục Lạng Sơn cũng đã phát động phong trào "Hũ gạo tình thương" và thu được trên 60 tấn gạo để gửi tặng tới học sinh khó khăn.
Ngoài ra, Lạng Sơn vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép gây khó khăn cho hoạt động dạy và học. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao nên hạn chế trong huy động các nguồn lực về cơ sở vật chất. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục kết nối nguồn lực và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tăng tính hiệu quả.
Đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long trao đổi, toàn tỉnh hiện có gần 213.000 học sinh phổ thông, mầm non ở gần 400 trường học. Đây là địa phương có mức thu nhập trung bình, sức đầu tư cho Giáo dục còn khiêm tốn. Từ năm 2000, Trung ương đã có nghị quyết về xã hội hóa giáo dục, địa phương cũng quan tâm đến việc huy động các nguồn lực cho giáo dục đào tạo.
Vĩnh Long đã được nhận hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT cùng các nhà tài trợ về chương trình Nha khoa học đường, bóng đá học đường, nước sạch cho cơ sở giáo dục, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách hợp lý để đầu tư cho giáo dục đào tạo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, ngoài những kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do chương trình được triển khai trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phức tạp nên nhiều hoạt động khảo sát, tặng quà không thực hiện đúng kế hoạch. Dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đồng hành nên nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương còn hạn chế. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian tới để triển khai hiệu quả các chương trình ở các địa phương.