Kết nối nhà tuyển dụng và người lao động

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối các nhà tuyển dụng và lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được chú trọng. Thông qua các phiên giao dịch, ngày hội việc làm được tổ chức ở các huyện, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã gặp gỡ trực tiếp để giới thiệu về nhu cầu và trò chuyện với người lao động. Từ đó, thu hút hàng nghìn học sinh, người lao động tham gia tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường lao động và đăng ký xin đi làm việc để tăng thu nhập cho gia đình.

Cung cấp thông tin việc làm, học nghề hữu ích

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các huyện tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm (Ngày hội việc làm), trong đó có 2 phiên giao dịch việc làm online tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn và tại trung tâm cho trên 5.000 lao động và 80 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động. Trong đó, có một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động đi làm việc như: Công ty TNHH May Tinh Lợi (Hải Dương) tuyển 2.000 lao động nghề may công nghiệp, thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng; Công ty Canon Việt Nam tuyển 1.000 lao động làm việc tại nhà máy ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) với mức thu nhập trung bình từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng; Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang Việt Nam tại huyện Hàm Yên tuyển 200 lao động phổ thông, mức thu nhập từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng...

Người lao động, học sinh các xã trên địa bàn huyện Hàm Yên tìm hiểu thông tin đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Người lao động, học sinh các xã trên địa bàn huyện Hàm Yên tìm hiểu thông tin đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Thông qua các ngày hội việc làm, nhiều người lao động đã được tìm hiểu thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp. Từ đó, chủ động đăng ký và làm hồ sơ xin việc, đem lại công việc và thu nhập ổn định. Ông Thèn Văn Minh, dân tộc Nùng ở thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) cho biết, nhờ tham gia Ngày hội việc làm của huyện mà con trai ông đã xin được việc làm ổn định tại tại một doanh nghiệp sản xuất xe máy ở tỉnh Vĩnh Phúc. Việc tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm ngay tại xã thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác giải quyết việc làm cho người dân.

Tham gia Ngày hội việc làm đã giúp các công ty, doanh nghiệp kết nối với người lao động, tìm được số lao động theo yêu cầu còn thiếu. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ Phòng Nhân sự, Công ty Canon Việt Nam nói, sau khi Ngày hội việc làm huyện Hàm Yên, đã có trên 200 người lao động, học sinh các xã, thị trấn của huyện tìm đến gian hàng của công ty để đăng ký thông tin tuyển dụng. Sau đợt này, công ty sẽ tuyển dụng được phần lớn số lao động còn thiếu để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Không chỉ có gian hàng của các doanh nghiệp, tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức còn có sự tham gia của các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ... Các đơn vị đã cung cấp cho học sinh bức tranh toàn cảnh về nhà trường cũng như hướng đào tạo, công tác giới thiêụ̣, bố trí việc làm sau học nghề. Qua đó, giúp nhiều học sinh các trường học trên địa bàn xác định được ngành nghề trong tương lai. Em Đỗ Minh Quân, lớp 12C2, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên) bày tỏ, qua tìm hiểu, em thích học nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Hiện nay, phương tiện ô tô ngày càng nhiều, nhu cầu sửa chữa lớn, vì vậy sẽ có nhiều cơ hội về việc làm cho người học sau khi ra trường.

Mở rộng đến vùng sâu, vùng xa

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 90.992 lao động, đạt 91% kế hoạch nhiệm kỳ, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm từ 22 - 25 nghìn lao động. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, trong thời gian tới ngành sẽ tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, ưu tiên tổ chức ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Người lao động, học sinh các xã ATK Yên Sơn tại Ngày hội việc làm huyện Yên Sơn năm 2019.

Người lao động, học sinh các xã ATK Yên Sơn tại Ngày hội việc làm huyện Yên Sơn năm 2019.

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết quyền lợi cho người lao động khi đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; trợ cấp kịp thời đối với các lao động thất nghiệp để họ ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng...

Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai, toàn tỉnh đang phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn lao động theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Từ đó, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/ket-noi-nha-tuyen-dung-va-nguoi-lao-dong-123679.html