Kết nối nhu cầu nhân lực nông nghiệp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo

Sáng 11-7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

 Toàn cảnh Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Toàn cảnh Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Bộ NN- PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng. Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của Bộ NN-PTNT đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng và 122 ngành đào tạo trung cấp.

Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhờ đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện. Kết quả đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức như: Tỷ lệ lao động ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%; Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.

Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp. Chính vì vậy, thông qua hội nghị này, Bộ NN-PTNT mong muốn sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ với nhiều hình thức đa dạng. Hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp, đặc biệt là các ngành khó tuyển sinh, khó xã hội hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội trong học tập, cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chương trình Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức cuối năm 2022.

Chương trình Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức cuối năm 2022.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành NN-PTNT phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt hơn 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phấn đấu tỷ lệ đăng ký học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm 40% đối với trình độ thạc sĩ (tỷ lệ hiện nay là 37%); 30% đối với trình độ đại học (tỷ lệ hiện nay là 24%); và 20% đối với trình độ cao đẳng và trung cấp (tỷ lệ hiện nay của cao đẳng là 15,1% và trung cấp là 12,6%)…

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ket-noi-nhu-cau-nhan-luc-nong-nghiep-giua-doanh-nghiep-va-cac-co-so-dao-tao-734106